Đó là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải do các điều kiện kinh doanh quy định chưa thực sự phù hợp với thực tế, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng nay 17/5.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong Nghị định 87 quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo phải có đầy đủ máy: Máy ép, đúc, khuôn mẫu phù hợp với sản xuất mũ bảo hiểm, thiết bị dập, đanh tán... Đối các cơ sở đóng tàu phải có đầy đủ máy cưa vòng, cưa dọc, cưa đĩa, cưa cầm tay, máy bào, máy đục, khoan mài, hàn… Hay việc cấm các cơ sở in không được hợp tác với cơ sở in khác để chế bản, in gia công, in sau… Trong điều kiện sản xuất kinh doanh toàn cầu, để làm được một sản phẩm, doanh nghiệp cần phải liên kết với hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp. Ví dụ sản xuất máy bay Boeing dựa trên hợp tác với hàng trăm công ty ở hàng chục quốc gia. Nếu chúng ta quy định như với các công ty kinh doanh mũ bảo hiểm, đóng tàu ở Việt Nam thì Boeing cũng bó tay. Không thể sản xuất tại Việt Nam.
Theo VCCI, việc triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP đã tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt về lề lối, tác phong, thái độ phục vụ. Công tác phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư đã được các địa phương quan tâm. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo, xúc tiến thương mại, bảo lãnh tín dụng, vườn ươm doanh nghiệp… được triển khai và nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Công tác cải cách thủ tục hành chính của nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt, một số thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19/NQ-CP và cam kết đã ký với VCCI như: Thời gian thành lập doanh nghiệp: đa số các tỉnh là 2 ngày (giảm 1 ngày so với Cam kết). Có tỉnh chỉ có 1,5 - 1,84 ngày như: Đồng Nai (1,84), Lai Châu (1,5), Hậu Giang (1,5), Hà Tĩnh (1,66)…; Thời gian thông quan hàng hóa: đa số các tỉnh đều đạt chỉ tiêu Nghị quyết 19 và cam kết đã đề ra là: thời gian qua biên giới dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu; đối với hàng nhập khẩu dưới 12 ngày, trong đó có nhiều tỉnh đạt thời gian tương đối tối ưu như Quảng Ninh đạt: 21 giờ 34 phút 12 giây đối với hàng xuất khẩu và 39 giờ 45 phút 12 giây đối với hàng nhập khẩu; Hà Tĩnh: đạt 4 ngày 12h đối với hàng nhập khẩu và đạt 1 ngày 12 giờ 52 phút đối với hàng xuất khẩu…
Mô hình Trung tâm hành chính công được nhiều tỉnh/thành phố tổ chức nhằm giảm thiểu thời gian đi lại và sự phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Có tỉnh như Quảng Ninh đã xây dựng Trung tâm hành chính công đến cấp huyện. Ngoài ra, tất cả các địa phương đều triển khai cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Các tỉnh/thành phố đều tích cực triển khai thực hiện kê khai nộp thuế điện tử (đa số đạt từ 96 - 100%), nhất là ở các địa phương như Đồng Nai, Quảng Trị, Gia Lai (đều đạt 100%), Bình Thuận (99,84%), TP Hồ Chí Minh (99,37%), Cần Thơ (99,51%), Hưng Yên (99,6%), Hà Tĩnh (99%).
Việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp được đa số các địa phương quan tâm. Nhiều địa phương đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức đối thoại với doanh nghiệp như: Tổ chức đối thoại loại theo loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI theo từng nước), đối thoại trên truyền hình… Đặc biệt mô hình “cà phê doanh nhân” được nhiều tỉnh quan tâm tổ chức nhằm tạo không khí thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp trong đối thoại và giải quyết kịp thời khso khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Một năm phải tiếp 6 - 7 đoàn kiểm tra
Bên cạnh đó, theo VCCI, công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù đã được thực hiện tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có trình độ, năng lực còn hạn chế; tình hình gây phiền hà, những nhiễu còn diễn ra, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Một số UBND các tỉnh chưa đảm bảo tổ chức đối thoại với doanh nghiệp công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm.
Các địa phương đã quan tâm hơn đến việc lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương, tuy nhiên mới phổ biến hình thức lấy ý kiến trên website của tỉnh, ngành, chưa đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp.
Đặc biệt, tình trạng doanh nghiệp than phiền về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Việc doanh nghiệp một năm phải tiếp 6 - 7 đoàn thanh tra, kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.
Công tác cải cách việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại liên quan đến doanh nghiệp của tòa án các cấp còn chậm, kéo dài khiến doanh nghiệp ít lựa chọn phương án kiện ra tòa khi có tranh chấp. Việc tòa án giải quyết phá sản doanh nghiệp chưa nhiều và nói chung công tác thi hành án dân sự rất cần tiếp tục nâng cao về thời gian thực hiện và hiệu quả.
Trong thời tới VCCI đề nghị, tập trung vào việc rà soát, loại bỏ các quy định cho phép các cơ quan Nhà nước can thiệp quá sâu vào các thị trường như: thị trường đất đai, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường công nghệ, thị trường công nghiệp.
Cụ thể, xem xét đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, theo hướng xác lập quyền tài sản của người dân đối với đất đai; Bảo đảm việc chuyển đổi công năng sử dụng đất một cách nhanh chóng; Hỗ trợ tích tụ đất đai với cơ chế giá do thị trường quyết định. Trước mắt, Nhà nước phải xử lý nghiêm các trường hợp quy hoạch treo dẫn đến cản trở công việc kinh doanh của doanh nghiệp, có cơ chế linh hoạt điều chỉnh giá thuê đất phù hợp với khả năng sinh lợi.
Không hành chính hóa các tổ chức kinh doanh như Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số Nghị định, Quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, hiện đang khoác cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trách nhiệm như một cấp quản lý hành chính đất đai trung gian mà đáng lẽ đó là việc của cơ quan quản lý Nhà nước.
Xây dựng cơ chế thông tin hiệu quả để thúc đẩy thị trường lao động, theo đó chú trọng việc thu hút lao động từ nông nghiệp cũng như đào tạo công nhân làm việc trong nông nghiệp công nghệ cao.
Có cơ chế tạo điều kiện mở rộng nguồn vốn dài hạn và trung hạn, tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào đổi mới công nghệ.
Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian, phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh để hỗ trợ cho thị trường công nghệ và thị trường công nghiệp (công nghiệp phụ trợ).
Về thủ tục hành chính, VCCI đề nghị Nhà nước phải cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, mang tính chất đột phá để cải cách thủ tục hành chính cũng như trong việc tổ chức, triển khai, giám sát thực hiện mô hình một cửa, trung tâm hành chính công; Cải tiến hình thức tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương; Nghiên cứu thấu đáo và giải quyết triệt để các vướng mắc của doanh nghiệp một cách kịp thời, thỏa đáng, tránh tình trạng bao biện “giải thích” nhiều mà “không giải quyết”.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt hơn đối với một số nhiệm vụ liên quan đến thực hiện Nghị quyết thông qua việc tổ chức có hiệu quả Hội nghị doanh nghiệp với Thủ tướng năm 2017 và ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc Nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 35/ 2016 của Chính phủ. Cần tiếp tục triển khai các Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nghị quyết 35 từ năm 2017 và các năm tiếp theo để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Sau hơn 1 năm, các doanh nghiệp đã thấy được sự nỗ lực của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, chính phủ đề nghị bàn kế hoạch hành động, có sự bứt phá. Chính phủ mong nhận được ý kiến thẳng thắn, chân thành và xây dựng từ phía các doanh nghiệp. Thủ tướng trân trọng cảm ơn các doanh nhân đã dành thời gian đến nghe, góp ý cùng Chính phủ. Với tinh thần “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Theo H.V/Báo Tin Tức