Theo kế hoạch, chuyến bay thử nghiệm cuối cùng trên tàu CST-100 Starliner lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sẽ được thực hiện bởi hai phi hành gia Butch Wilmore và Suni Williams để kiểm tra hoạt động của con tàu trước khi chính thức thực hiện các chuyến du hành vũ trụ theo Chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA.
Những năm gần đây, theo chương trình Artemis đầy tham vọng, NASA đã hỗ trợ phát triển một thế hệ tàu vũ trụ mới do các công ty tư nhân chế tạo, có thể đưa các phi hành gia và du khách tới ISS, thậm chí là tới Mặt trăng và cuối cùng là sao Hỏa. Tàu vũ trụ Starliner là sản phẩm mới nhất thuộc mô hình thiên về mục đích thương mại của hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing.
Ông Jim Free, đại diện NASA, trả lời báo chí: “Chuyến bay thử nghiệm này là một cột mốc cực kỳ quan trọng, bởi chúng tôi không thể dám chắc sẽ không có rủi ro gì trong quá trình bay và các thành viên trong phi hành đoàn hoàn toàn có thể mất mạng”.
Tàu Starliner đã trở thành biểu tượng cho sự nỗ lực của Boeing trong quá trình cạnh tranh với các đối thủ như SpaceX, hãng có tàu vũ trụ Crew Dragon từng đưa thành công phi hành gia ra ngoài vũ trụ vào năm 2020.
Năm 2019, Boeing đã nỗ lực phóng tàu Starliner không người lái lên ISS trong một tuần. Tuy nhiên, con tàu phải quay trở lại Trái đất sớm vài ngày do gặp trục trặc kỹ thuật.
Theo hồ sơ chứng khoán và dữ liệu hợp đồng, Boeing phải đầu tư hơn 1,5 tỷ USD để xử lý những khó khăn trong quá trình chế tạo tàu vũ trụ. Bên cạnh đó, NASA đã chi thêm khoảng 325 triệu USD cho hợp đồng thuê tàu Starliner trị giá 4,2 tỷ USD với Boeing được ký vào năm 2014 nhằm phục vụ hoạt động của ISS.
Trong khi tàu Starliner của Boeing vẫn đang trong quá trình hoàn thành, tàu Crew Dragon của SpaceX đã thực hiện một số chuyến bay cho NASA. Năm 2022, Boeing lần thứ hai thử nghiệm phóng tàu Starliner không người lái lên ISS và đã thành công quay trở lại Trái đất.
Kể từ thất bại năm 2019, NASA đã tăng cường giám sát đối với Starliner và cho rằng kinh nghiệm xây dựng và bảo trì các mô-đun trên ISS của Boeing sẽ là một động lực tăng cường niềm tin.
Trạm ISS là một phòng thí nghiệm khoa học có kích thước tương đương một sân bóng, bay quanh Trái Đất ở độ cao khoảng 400km, tuy nhiên, NASA dự kiến sẽ chỉ duy trì hoạt động của trạm đến năm 2023, do đó cơ quan này đang hỗ trợ tư nhân phát triển các trạm vũ trụ mới thay thế để làm điểm đến cho Starline.
Bên cạnh đó, chương trình phi hành đoàn thương mại của NASA còn cho phép các công ty bán dịch vụ tàu vũ trụ cho du khách. Theo ước tính, chi phí cho mỗi vị trí trên tàu Crew Dragon là khoảng 55 triệu USD, trong khi của Starliner là 90 triệu USD.