Đêm 16/9, sau khi một quả bom phát nổ ở quận Chelsea làm 29 người bị thương, cảnh sát New York, Mỹ đã sử dụng robot để kiểm tra và đưa một quả bom khác vào bên trong buồng siêu bền để đưa đến nơi an toàn.
Theo Live Science, thiết bị này có tên là TVC, có khả năng chịu được áp suất và chứa được mọi mảnh vỡ sau khi quả bom đặt trong đó phát nổ. TVC có thể mang theo quả bom và di chuyển nó sang địa điểm khác mà không cần phải sơ tán dân chúng hay cấm đường, theo Grant Haber, phó chủ tịch công ty American Innovations. Đây là công ty chuyên cung cấp các thiết bị dò gỡ chất nổ cùng các đồ chứa và phương án sơ tán.
Nếu quả bom phát nổ trong quá trình di chuyển, TVC có thể "giữ lại hết các mảnh vỡ ban đầu và quả bom sẽ không gây nguy hiểm cho bất kỳ ai trong khu vực lân cận", Haber cho biết.
Hầu hết các TVC thuộc một trong hai loại: bịt kín hoặc thông khí. Ở loại bịt kín, ngoài các mảnh vỡ, bất kỳ chất khí độc hóa học hay sinh học nào cũng bị giữ lại bên trong, theo Keren Banai, giám đốc bán hàng khu vực Bắc Mỹ của Mistral Security, công ty chuyên cung cấp TVC.
Nếu thuộc loại thông khí, các chất khí sau vụ nổ sẽ được đẩy ra ngoài một cách có kiểm soát, Bannai cho biết. Tùy thuộc vào lượng và loại chất nổ, cũng như độ mở của van, âm thanh của khí khi thoát ra sẽ khác nhau, từ tiếng nổ gây giật mình hoặc chỉ như tiếng huýt sáo, Haber cho biết.
Nếu các cơ quan chức năng lo ngại về loại khí phát sinh sau vụ nổ, họ có thể dẫn nó vào hai bình chứa, một để giữ lại khí nổ và một có máy lọc không khí.
Ngoài ra, TVC còn có chức năng lưu trữ chất nổ an toàn.
"Có những buồng chứa được dùng để lưu trữ các chất có nguy cơ nổ bất ngờ, như với loại buồng Mistral, có thể chứa chất nổ với khối lượng từ 30 gam tới 45 kg", Bannai cho biết.
Các TVC phá bom có khối lượng 5 – 9 kg, còn TVC chuyên dùng để chứa bom có khối lượng lên tới 45 kg. Giá của chúng cũng khá đắt, từ 150.000 đến 500.000 USD.