Có điện tăng thêm thu nhập
Xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang là một vùng núi cao cheo leo. 52% người dân trong xã là người dân tộc Khơ me. Thời gian gần đây, những ngôi nhà đã có đèn sáng vào buổi tối. Nhiều người dân đã có điện để xem tivi và làm các hoạt động khác. Chị Tím - huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang chia sẻ, từ khi có điện bằng năng lượng mặt trời, buổi tối chị có thể làm thêm đũa để bán.
Theo bà Nguyễn Diệu Hiền, Phó Chủ tịch xã An Hảo, hiện nay điện lưới quốc gia chưa có tại 4 ấp trên đồi núi của xã. Từ năm 2016, xã được hỗ trợ từ Dự án Năng lượng xanh An Giang. Dự án được tiến hành với mục tiêu “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho các cộng đồng nghèo chưa tiếp cận với điện lưới ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thông qua các giải pháp năng lượng xanh, bền vững”.
“Trước đây, tại một ấp có 100 hộ dân tự mua pin mặt trời để lắp đặt. Tuy nhiên họ chỉ sử dụng được điện từ 7 – 9 giờ tối sau đó phải tắt đi để tiết kiệm chi phí. Sau đó, người dân được dự án hỗ trợ 35% giá trị tấm pin và trả góp trong vòng 10 tháng. Đến thời điểm này đã có 210 hộ lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. Người dân ở vùng núi cao hầu hết sử dụng được vật dụng tiện ích như tivi, tủ lạnh, bóng đèn… do công suất điện cao. Nhờ có điện mặt trời, học sinh có ánh sáng học tập, người lớn được xem tivi, hát karaoke…” - bà Hiền chia sẻ.
Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí lắp đặt tấm pin mặt trời, dự án còn thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng, tác dụng của năng lượng mặt trời. Nhiều gia đình khá giả trong xã cũng đã đầu tư nhiều hơn vào tấm pin mặt trời để có nguồn điện lớn. Nhiều hộ gia đình đã nấu cơm bằng nồi cơm điện thay bằng nấu bếp than như trước.
Nhân rộng mô hình
Dự án Năng lượng Xanh An Giang được thực hiện trong vòng 3 năm với mong muốn tất cả 2.288 hộ gia đình chưa có điện lưới ở 3 xã An Hảo, Tân Lợi, Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được cung cấp thông tin về lợi ích và chi phí của các giải pháp năng lượng bền vững vào cuối năm 2018. Ít nhất 5 công nghệ năng lượng bền vững (ví dụ mô hình pin năng lượng mặt trời, mô hình đèn xách tay năng lượng mặt trời, mô hình đèn LED, biogas và bếp đun cải tiến) được áp dụng tại 3 xã đem lợi ích trực tiếp cho hàng trăm hộ gia đình chưa có điện lưới và 3 trường học tại huyện Tịnh Biên.
Dự án do Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) thực hiện. Từ tháng 12/2017, GreenID tiến hành hỗ trợ các mô hình năng lượng bền vững: lắp đặt đèn LED cho ủy ban xã, lắp đặt 2 hộ biogas composite tại xã Tân Lợi, hỗ trợ mô hình năng lượng mặt trời 2 đợt với tổng 98 Mô hình Pin Năng lượng mặt trời, 150 hộ dân tiếp cận đèn xách tay, lắp đặt hệ thông 2040Wp cho trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và hỗ trợ trường bộ kít 22Wp dạy học.
Người dân thực sự hài lòng bởi hệ thống điện đã đáp ứng được phần nào nhu cầu cơ bản. Trẻ em có điện để học bài vào buổi tối. Đời sống tinh thần của các hộ gia đình được nâng cao khi họ sử dụng điện cho các thiết bị ca nhạc giải trí. Đội thợ kỹ thuật năng lượng địa phương được nâng cao năng lực, có thêm một khoản thu nhập thông qua việc họ chủ động hỗ trợ người dân địa phương lắp đặt, bảo trì mô hình.