Theo báo cáo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, lượng hành khách tuyến City Tour này còn thấp (trong tháng Bảy vừa qua, trung bình chỉ đạt 6,9 hành khách mỗi lượt. Và có thông tin nhìn nhận, nguyên nhân vắng khách là do mức phí khá cao với nhiều người.
Về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, Tuyến City tour là một sản phẩm du lịch nên đối tượng phục vụ chính là du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Các đơn vị vận hành tuyến phải xây dựng chương trình gửi cho Công ty lữ hành (hoặc liên kết với Công ty lữ hành), để các Công ty này xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch bán cho đối tác nước ngoài, du khách trong nước. Thời gian thực hiện thường mất từ sáu tháng đến một năm.
Hơn nữa, Hà Nội với tiềm năng du lịch lớn (trong năm 2017 thành phố đón khoảng 23,83 triệu lượt hành khách, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 4,95 triệu lượt hành khách; dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, hiện số lượng xe City Tour ít (3 xe), thời gian chờ giữa các chuyến lớn (30 phút) nên chưa thu hút được người dân và hơn 23 triệu du khách trong ngoài nước.
Ngoài ra, Tổng công ty Vận tải Hà Nội mặc dù là đơn vị chủ lực của thành phố trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, tuy nhiên chưa có kinh nghiệp trong lĩnh vực du lịch này nên đã liên kết với Công ty Ảnh Việt-là một doanh nghiệp lữ hành để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, điều hành dẫn đến mức phí còn cao.
“Các nguyên nhân trên đã làm cho tuyến City Tour trong thời gian qua còn vắng khách và mức phí khá cao với nhiều người,” ông Viện lý giải.
Trước phản ánh tuyến buýt 2 tầng vắng khách nhưng Hà Nội vẫn cho đơn vị khác tiếp tục mở tuyến buýt tương tự, ông Viện giải thích việc đồng ý mở tuyến để đảm bảo "nguyên tắc bình đẳng với tất cả các đơn vị xin thí điểm".
"Việc đưa tuyến City Tour 02 vào vận hành cùng tuyến City Tour 01 sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp thêm dịch vụ cho hành khách lựa chọn. Hơn thế, đơn vị mở tuyến thứ hai có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch nên có lợi thế trong thu hút khách," ông Viện nhìn nhận.
Trước đó, Hà Nội đã chính thức khai trương tuyến buýt 2 tầng City Tour có lộ trình đi qua 25 tuyến phố với 13 điểm dừng vào sáng ngày 30/5 nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hành khách tiếp cận dễ dàng 30 điểm tham quan đặc sắc của Hà Nội. Xe buýt 2 tầng hoạt động từ 9 giờ đến 20 giờ 30 phút hàng ngày với tần suất 30 phút mỗi chuyến, cự ly tuyến dài 13,8km.
Giá vé du lịch bằng buýt 2 tầng mui trần được tính theo giờ, với các mức giá khác nhau, trong đó khung vé 4 giờ là 300.000 đồng, vé 24 giờ có mức giá 450.000 đồng và 48 giờ lên tới 650.000 đồng và loại vé 2 giờ giá 196.000 đồng (đối với khách có nhu cầu đi suốt, không lên xuống các điểm dọc tuyến).
Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam-Hà Nội cũng đã được thành phố cho phép mở lộ trình tuyến thí điểm dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng ôtô chuyên dụng 2 tầng, thoáng nóc số 2 với tên gọi “City tour Thăng Long- Hà Nội.”
Cụ thể, điểm đầu tuyến từ vườn hoa Con Cóc (mặt đường Ngô Quyền)-Hai Bà Trưng-Quang Trung-Tràng Thi-Điện Biên Phủ-Hoàng Diệu...
Cự ly tuyến buýt City Tour Thăng Long-Hà Nội dài 14,8km, tần suất chạy 30 phút/chuyến, hoạt động từ 9-17 giờ 30 phút trong ngày. Trên tuyến sẽ có 10 điểm dừng để đón trả khách.
Bên cạnh đó, đại diện Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam-Hà Nội chưa tiết lộ giá vé nhưng khẳng định, hoạt động theo hình thức không trợ giá. Giá vé được tính toán đủ đạt hiệu quả kinh doanh khai thác và đảm bảo cạnh tranh phù hợp với thực tế thị trường.