Ca sĩ Thanh Lam: Mẹ chính là người thầy đầu tiên

Thanh Lam nói rằng “Mẹ em, chính là người thầy đầu tiên của em. Mẹ dạy em hát dân ca, ngâm thơ từ lúc em bắt đầu biết nói…”.
Ca sĩ Thanh Lam: Mẹ chính là người thầy đầu tiên
Hẹn đi hẹn lại mấy lần, cuối cùng chúng tôi cũng gặp nhau tại Porvol coffee 94e Trần Hưng Đạo Hà Nội, một quán cà phê đang được bạn trẻ ưa thích.

Trông Thanh Lam vẫn như xưa, như những lần tôi gặp trước đây, vẫn gương mặt tự tin, nụ cười phóng khoáng, vẫn là người nghệ sỹ có cá tính mạnh, luôn muốn cựa quậy, bứt phá trong cuộc sống hàng ngày và trong bầu trời nghệ thuật của mình.

Ca sĩ Thanh Lam: Mẹ chính là người thầy đầu tiên - anh 1

Ca sĩ Thanh Lam.

Thanh Lam nói rằng “Mẹ em, chính là người thầy đầu tiên của em. Mẹ dạy em hát dân ca, ngâm thơ từ lúc em bắt đầu biết nói…”.
Lên ba tuổi Thanh Lam được cha dạy hát và nghe đàn Piano, lên bảy tuổi mẹ dạy Thanh Lam đàn thập lục. Chín tuổi, Thanh Lam được gửi vào nhạc viện Hà Nội theo học môn đàn Tỳ bà hệ 11 năm… Ngay từ những ngày còn ở tuổi nhi đồng, bố mẹ đã đưa Thanh Lam đến sinh hoạt thường xuyên trong đội “Chim Sơn Ca” của đài tiếng nói Việt Nam và đội “Họa Mi” của cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội.
Sinh ra trong một gia đình nổi tiếng, một gia đình bố mẹ đều là những người làm nghệ thuật, Lam được đắm mình trong âm nhạc, trong tình yêu thương, dạy dỗ của những bậc sinh thành cũng là những người thầy đầu tiên dẫn dắt cô trên con đường nghệ thuật đầy chông gai.
Bố của Thanh Lam là cố nhạc sỹ Thuận Yến nổi tiếng với những ca khúc đầy tính trữ tình. Ông tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1935, quê ở Duy Xuyên (Quảng Nam). Thuận Yến là tên ghép của hai quê Duy Thuận quê cha và Duy Yên quê mẹ của nhạc sỹ.

Mẹ Thanh Lam là NSUT đàn dân tộc Thanh Hương. Nhạc sỹ Thuận Yến và NSUT Thanh Hương có hai người con là Đoàn Thanh Lam sinh năm 1969 và Đoàn Hữu Thắng (tức nhạc sỹ Trí Minh) sinh năm 1972, hiện làm việc ở ban văn nghệ đài truyền hình Việt Nam.

Ca sĩ Thanh Lam: Mẹ chính là người thầy đầu tiên - anh 2

Cố nhạc sĩ Thuận Yến và vợ.

Tâm sự trên một tờ báo, NSUT Thanh Hương chia sẻ: Cha mẹ sinh con chứ làm sao giữ được con. Đến khi Lam yêu và có bầu ông nhà tôi cứ ngỡ ngàng và không chấp nhận chuyên “tày trời” đó. Nhưng tôi không trách mắng mà an ủi, vỗ về con để thấy rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào gia đình vẫn là chỗ dựa vững chắc nhất…Tôi bảo Lam cứ sinh con đi, không nuôi được thì mẹ nuôi…

Hai con tôi tính tình rất khác nhau. Bản tính Lam mạnh mẽ, cá tính và đôi khi nổi loạn. Dạy Lam không thể quát tháo, yêu cầu theo kiểu ép buộc mà phải khéo léo, nhẹ nhàng, như mưa dầm thấm lâu. Cả đến khi Lam có gia đình riêng cháu Hồng Vân vẫn sống với ông bà ngoại. Hồng Vân có cá tính mạnh mẽ như Lam, chúng tôi định cho cháu học piano ở nhạc viện nhưng Lam lại gửi cháu sang Úc học thiết kế nội thất.

Ca sĩ Thanh Lam: Mẹ chính là người thầy đầu tiên - anh 3
Ca sĩ Thanh Lam và con gái
Cách dạy con của NSUT Thanh Hương đúng là cách mà nhiều người mẹ Việt Nam đã nuôi dạy các con qua bao gian lao thử thách. Tấm lòng người mẹ không những biết cách bao dung mà còn hiểu được tính tình các con, hiểu để cảm thông, chia sẻ, để có cách nuôi dạy tốt nhất, như cách mà NSUT Thanh Hương đã làm bởi cuộc đời vốn vô thường, không phải bao giờ mọi điều cũng theo ý muốn của mình.
Nhớ lại những kỷ niệm hồi còn nhỏ, Thanh Lam kể cho tôi nghe với niềm xúc động sâu xa. Thanh Lam kể rằng, lúc bé bố thường nhào bột mỳ rồi ngồi nặn những con thú như con cá, con thỏ, con rùa… cho vào nồi nấu chè cho các con ăn. Bát chè có hình con thú làm chị em Lam rất thích. Vừa ăn, vừa ngắm, vừa hình dung con cá bơi dưới nước thế nào, con thỏ chạy nhảy trong rừng ra sao. Đúng là một cách dạy con độc đáo, cụ thể và sinh động…

Nhiều buổi chiều, bố thường dẫn chị em Lam đi hái rau dại ở khu tập thể Triều Khúc mang về nhà nấu canh… Có lần em trai Lam nói điều gì đó làm mẹ bực lên, mẹ phạt hai chị em không được ăn cơm, phải ăn cháo đậu đen nấu với muối suốt 10 ngày. Lam thì kiên trì, chịu khó ăn còn em Trí mấy lần “ tuyệt thực”…

Ca sĩ Thanh Lam: Mẹ chính là người thầy đầu tiên - anh 4
Gia đình nhạc sĩ Trí Minh
Vì bố mẹ thường xuyên đi công tác nên chị em Lam nhiều hôm bị “nhốt” trong căn phòng ở… Thế giới là cái cửa sổ nhỏ để nhìn ra ngoài, tiếp xúc với bên ngoài. “Hai chị em ở trong căn phòng đó, buồn lắm. Chúng em liền nghĩ ra một cách. Để dụ bọn trẻ trong khu tập thể đến chơi, em và Minh Trí đã lấy hết những viên đường của bố mẹ để trong tủ lạnh rồi kêu bọn trẻ đến cùng ăn. Dạo đó, bố mẹ ở trong quân đội nên được phân theo tiêu chuẩn mấy hộp đường, những viên đường kính ngọt lịm.
Khi phân phát cho bọn trẻ hết số đường kính trong tủ, hai chị em lấy đá trong ngăn lạnh phân phát cho bọn trẻ…
Mẹ đi làm về. Nắng, nóng, mồ hôi ướt đầm. Mẹ mở tủ lạnh để lấy một ít đường, một ít đá pha cốc nước uống giải nhiệt thì tủ lạnh trống không. Mẹ bực quá, cho chúng em một trận…” – Thanh Lam kể với tôi một cách hồn nhiên. Tôi cảm nhận ở người nghệ sỹ đầy sức sáng tạo này một nét hồn nhiên thật đáng yêu. Cái hồn nhiên trong tâm hồn con người, bây giờ được coi là của hiếm.
NSUT Thanh Hương không những biết cách dạy các con đẻ của mình đến với nghệ thuật từ thủa còn thơ, bà còn nổi tiếng vì biết cách dạy, cách chăm sóc, chỉ bảo cô con dâu người Đan Mạch.
Khi Trine Glue, một cô gái xinh đẹp người Đan Mạch đến Việt Nam công tác rồi làm quen và yêu con trai NSUT Thanh Hương, là nhạc sỹ Trí Minh, buổi đầu bà không chấp nhận vì sợ sự khác biệt về văn hóa, về phong tục tập quán giữa hai đất nước, giữa hai người sẽ làm cho cuộc hôn nhân có thể không có hạnh phúc. Nhưng khi bà biết con trai bà, người mà bà hiểu tường tận tính cách, sở thích, sự thận trọng, chín chắn, dám chịu trách nghiệm, quyết tâm đi đến hôn nhân với cô Trine Glue xinh đẹp, bà thay đổi thái độ, tìm mọi cách hướng dẫn cô con dâu.
NSUT Thanh Hương chỉ bảo cụ thể đến từng ly, từng tý, từ cách nấu các món ăn, đến cách ứng xử văn hóa trong gia đình người Việt.
Tâm sự trên một tờ báo, cô con dâu của gia đình nhạc sỹ Thuận Yến và NSUT Thanh Hương, một cô gái Bắc Âu mà trước đó chưa lâu còn rất xa lạ với mọi thứ ở Việt Nam, bây giờ đã như là một nàng dâu Việt hiền thục. Đoàn Trine chia sẻ “Nhiều bạn bè ghen tỵ với tôi vì tôi thực sự được mẹ chồng chiều…” . Bây giờ con trai bà đã có hai cháu nội ngoan ngoãn, khỏe mạnh và khôi ngô …

>>> Xem thêm:

GS Ngô Bảo Châu: Làm khoa học trung thực là điều quan trọng nhất

Chuyện gia đình thi sỹ “5 say” …

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Không có người đàn ông nào đủ mạnh để tránh sự nhàm chán sau hôn nhân

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.