Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung
Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cấp cao APEC (SOM1) và các cuộc họp liên quan diễn ra từ ngày 18/2-3/3 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, đại biểu tại các cuộc họp sẽ cùng trao đổi, thống nhất các ưu tiên và nội hàm các ưu tiên của hợp tác APEC trong năm 2017. Các thành viên cũng sẽ xác định ưu tiên của 4 ủy ban về thương mại và đầu tư, kinh tế, hợp tác kinh tế, kỹ thuật, ngân sách và quản lý cũng như các nhóm công tác khác của APEC. Đồng thời đề ra định hướng cho các hoạt động của APEC trong năm 2017.
Chủ tịch Hội nghị Các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ chủ trì cuộc họp Hội nghị Các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ nhất (SOM1) và cuộc họp Nhóm bạn của Chủ tịch về kết nối.
Cũng trong đợt này, tại Nha Trang sẽ diễn ra Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (23-24/2) do Bộ Tài chính chủ trì.
Bên cạnh đó, 13 bộ, cơ quan Việt Nam sẽ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các ủy ban, nhóm công tác của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
So với năm 2006, tại APEC 2017, Việt Nam đứng trên một tâm thế khác; kỳ vọng của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn đối với Việt Nam cũng khác, trong bối cảnh có những thách thức rất lớn đối với quá trình liên kết kinh tế khu vực, cũng như tiến tới hoàn thành Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020.
Do đó, 4 ưu tiên được Việt Nam đưa ra trong Năm APEC 2017: Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu được các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ và nhất trí cao. Điều quan trọng là các ưu tiên này rất phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.
Quốc tế đánh giá cao cương vị chủ nhà Việt Nam
Tại họp báo quốc tế giới thiệu “Năm APEC Việt Nam 2017” sau hội nghị các quan chức cấp cao không chính thức (ISOM) diễn ra vào tháng 12/2016, các diễn giả quốc tế nhận định Việt Nam nhận cương vị nước chủ nhà APEC trong thời khắc nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn đổi thay và có những thách thức mới. Tuy nhiên, cả đại diện chủ nhà cũ Peru (ông Luis Quesada, Chủ tịch SOM APEC 2016) lẫn người đứng đầu Ban Thư ký APEC (ông Alan Bollard) đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị nước chủ nhà APEC 2017 và tin tưởng Việt Nam sẽ tổ chức Năm APEC 2017 thành công.
Ông Luis Quesada, Chủ tịch SOM APEC 2016 (đại diện nước chủ nhà APEC Peru 2016) cho biết, trong số các nhiệm vụ của lãnh đạo cấp cao APEC thỏa thuận năm 2016 (ở Lima, Peru) chuyển giao cho APEC 2017, có nhiệm vụ triển khai thương mại tự do và các mục tiêu Bogor. Trong một thế giới ngày càng gắn kết, APEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc thực hiện các Mục tiêu Bogor, bảo đảm tăng trưởng chất lượng và liên kết khu vực. Chủ nhà APEC cũ Peru bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tổ chức APEC 2017 thành công. Ông Luis Quesada nhận định 4 định hướng ưu tiên cho Năm APEC 2017 mà Việt Nam đưa ra đã đạt đồng thuận cao trong số các nước thành viên APEC và tạo ra tiền đề rất tốt.
Ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC nhận định 2017 là một năm đầy thách thức với Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP đang “ngủ đông”, Việt Nam trên cương vị nước chủ nhà sẽ tiếp tục cùng với 21 nền kinh tế thành viên “đánh thức”, thúc đẩy sự liên kết và tự do mậu dịch cho một khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động.