Nhóm năm nhà khoa học, bao gồm hai giáo sư người Australia Ove Hoegh-Guldberg và Terry Hughes, đã viết thư cho cơ quan Liên Hợp Quốc hôm 01/07, thể hiện quan điểm rằng khuyến nghị hạ cấp tình trạng di sản thế giới của hệ thống rạn san hô 2.300 km là một "quyết định đúng đắn".
Chính phủ Australia từng khẳng định sẽ phản đối mạnh mẽ kế hoạch của UNESCO nhằm liệt kê rạn san hô Great Barrier Reef vào hạng mục "đang gặp nguy hiểm" vì sự suy giảm nghiêm trọng của san hô trong khu vực. Chính phủ này cho biết họ sẽ thực hiện một chiến dịch vận động hành lang trước khi Ủy ban di sản thế giới gồm 21 thành viên xem xét đề xuất tại cuộc họp ở Trung Quốc bắt đầu vào ngày 16/7, viện dẫn lý do việc hạ cấp Rạn san hô đã bị "chính trị hóa".
Tuy nhiên, UNESCO đã phủ nhận cáo buộc này. Tiến sĩ Mechtild Rössler, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, nhận định nhiều chính phủ đã hiểu sai về danh sách “đang gặp nguy hiểm”, khẳng định đưa một di sản vào danh sách này không giống với việc đưa vào "danh sách đỏ". Việc này không đánh dấu một sự kết thúc của một di sản, mà là "một lời kêu gọi hành động”. Cả thế giới cần biết rằng có những di sản đang bị đe dọa và tất cả chúng ta có nhiệm vụ bảo tồn những di sản đó cho các thế hệ sau.
Theo lời các chuyên gia Hoegh-Guldberg và Hughes, từ Trung tâm Nghiên cứu Rạn san hô ngầm ARC của Australia, danh sách "đang gặp nguy hiểm" sẽ tập trung sự chú ý của cộng đồng vào cách hạn chế những thiệt hại nặng nề hơn nữa đối với Rạn san hô: “Việc này đặt ra một thách thức đối với tất cả các quốc gia nhằm giảm ngay lập tức phát thải khí nhà kính."
Rạn san hô Great Barrier Reef UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1981. (Ảnh: Lucas Jackson) |
Trong lá thư của mình, năm khoa học gia cho biết UNESCO đã thể hiện khả năng đi đầu trong việc nhận ra mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với Rạn san hô Great Barrier, di sản của thế giới. “Thật bi thảm, Rạn san hô này đã bị tổn thất nghiêm trọng trong những năm gần đây qua ba sự kiện tẩy trắng san hô nghiêm trọng, gây ra bởi ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu”.
Việc bảo vệ Rạn san hô đòi hỏi phải có hành động toàn cầu hiệu quả nhằm giảm lượng khí thải carbon. Các nhà khoa học cho biết chính phủ Australia và Queensland đang nỗ lực để giải quyết các mối đe dọa cục bộ đối với Rạn san hô, bao gồm ô nhiễm trầm tích và chất dinh dưỡng tại các rạn san hô ven bờ. "Tuy nhiên, cho đến nay Australia vẫn chưa chứng tỏ được sự hiệu quả của hành động trong nỗ lực toàn cầu."
“Do đó, chúng tôi đánh giá rất cao khuyến nghị dự thảo của UNESCO dành cho Australia về việc cần giải quyết khẩn cấp mối đe dọa của biến đổi khí hậu."
“Rạn san hô Great Barrier là một trong những nơi đẹp nhất, đa dạng sinh học và quý giá nhất trên Trái đất. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực của UNESCO nhằm đảm bảo tương lai của biểu tượng toàn cầu này .”
Những người ký tên khác trong lá thư gồm Giáo sư Andréa Grottoli, chủ tịch Hiệp hội Rạn san hô Quốc tế, Giáo sư Johan Rockström, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam, và Tiến sĩ Sylvia Earle, một nhà hải dương học và là chủ tịch của Mission Blue, với mục tiêu Bảo vệ 30% đại dương vào năm 2030.
Người phát ngôn của UNESCO cho biết họ hoan nghênh bức thư “từ những nhà khoa học nổi tiếng quốc tế và ưu tú này”.