Ngày 26/5 vừa qua, 10 tay súng đeo mặt nạ đã nã đạn vào xe buýt chở những người theo đạo Cơ đốc tại tỉnh Minya, cách thủ đô Cairo của Ai Cập khoảng 220 km về phía Nam, làm ít nhất 28 người thiệt mạng và 22 người bị thương. Tỉnh trưởng tỉnh Minya, Essam al-Bedaiwy cho biết chiếc xe trên bị các tay súng tấn công khi đang chở những người theo đạo Cơ đốc giáo đến một tu viện ở phía Nam thủ đô Cairo.
Để đáp trả, ngày 26/5, không quân Ai Cập đã tiến hành 6 cuộc không kích nhằm vào các doanh trại gần thành phố Derna của Libya. Cairo coi đây là nơi đã huấn luyện các tay súng phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào cộng đồng người Cơ đốc giáo ở Ai Cập trước đó cùng ngày.
Vụ tấn công tại tỉnh Minya là vụ mới nhất trong một loạt vụ tấn công do IS tiến hành, khiến hơn 100 người thiệt mạng kể từ tháng 12/2016.
Dưới đây là một số cuộc tấn công gây nhiều thương vong nhằm vào người theo đạo Cơ đốc ở Ai Cập trong những năm gần đây:
Ngày 9/4/2017: Một vụ đánh bom nhằm vào nhà thờ Thánh Mark ở thành phố duyên hải Alexandria đã khiến ít nhất 43 người bị thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Vụ đánh bom này xảy ra chỉ vài giờ sau một vụ khác bên trong nhà thờ ở thành phố Tanta, phía Bắc thủ đô Cairo, khiến gần 30 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương. Nhóm khủng bố IS đã nhận trách nhiệm hai vụ đánh bom trên. Ngày đẫm máu diễn ra đúng một tuần trước lễ Phục sinh của người Cơ đốc giáo Ai Cập và vào dịp Giáo hoàng Francis dự định đến thăm đất nước kim tự tháp.
Tháng 2/2017: Hàng trăm người theo đạo Cơ đốc tại Ai Cập đã phải rời bỏ nhà cửa ở phía Bắc Sinai do lo sợ các cuộc tấn công của các phần tử cực đoan IS. Chi nhánh ở Bắc Sinai của IS đã giết chết ít nhất 7 tín đồ Cơ đốc ở Sinai trong chưa đầy một tháng. Nhóm này tuyên bố đẩy mạnh các cuộc tấn công chống lại người theo đạo Cơ đốc, gọi họ là “con mồi ưa thích” của chúng.
Tháng 12/2016: Một vụ đánh bom xảy ra ở một nhà thờ Cơ đốc lớn ở thủ đô Cairo đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. IS cũng nhận trách nhiệm vụ này. Số lượng thương vong cao trong vụ đánh bom này cho thấy những khó khăn mà chính quyền Ai Cập phải đối mặt nhằm khôi phục an ninh và ổn định trong nước sau gần sáu năm bất ổn sau cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab.
Tháng 7/2016: Giáo hoàng Tawadros II cho biết, kể từ năm 2013 đã có có 37 vụ tấn công người Cơ đốc ở Ai Cập. Trong tháng này, một nhóm Hồi giáo cực đoan đã đâm chết Fam Khalaf, 27 tuổi theo đạo Cơ đốc, ở thành phố phía Nam Minya.
Tháng 5/2016: Một nhóm Hồi giáo cực đoan lục soát và đốt bảy ngôi nhà của người theo đạo Cơ đốc ở Minya, sau khi có tin đồn một người đàn ông Cơ Đốc có quan hệ với một phụ nữ Hồi giáo. Mẹ của người đàn ông đã bị nhóm Hồi giáo cực đoan trên lột quần áo và kéo lê trên phố.
Năm mới 2011: Một quả bom phát nổ trong nhà thờ Cơ đốc ở Alexandria khiến hơn 20 người chết. Các cuộc tấn công xảy ra vài tuần sau cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab ở Ai Cập và ngày càng nhiều hơn kể từ khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ vào năm 2013.
Theo phân tích của TS Aly Bakar thuộc Trung tâm tâm nghiên cứu chiến lược và chính trị Al Ahram, các vụ tấn công này cho thấy các phần tử khủng bố cực đoan coi phái Cơ đốc là “ngoại đạo” là cái cớ để tấn công. Các vụ tấn công liên tiếp và leo thang nhằm gây mất đoàn kết tôn giáo, đồng thời làm giảm uy tín của lực lượng an ninh và chính quyền của Tổng thống Al Sisikhi không thể bảo vệ công dân của mình nói chung và các phái Cơ đốc nói riêng.
Không chỉ ở bán đảo Sinai (thuộc châu Á) các vụ tấn công còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên khắp Ai Cập cho thấy IS đang mở rộng địa bàn hoạt động và có khả năng tấn công nhiều nơi, mặt khác đây cũng là cách để tổ chức này có thể duy trì sự gắn kết và cũng cố cái gọi là “tiểu vương quốc IS” ở Ai Cập khi tổ chức này đang bị tấn công và truy quét mạnh mẽ tại các nước láng giềng như Lybia, Yemen, Syria. IS và các nhóm khủng bố khác đã chiêu mộ nhiều thanh niên cực đoan, những người có hệ tư tưởng bài thị người Cơ đốc giáo.
Theo TS Aly Bakar, mục đích khác của các vụ tấn công là phá hoại hình ảnh, kinh tế Ai Cập. Sau một thời gian dài khủng hoảng, bất ổn, chính quyền của Tổng thống Al Sisi đã dần ổn định về tổ chức, củng cố an ninh, khôi phục kinh tế và đã chứng kiến sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, các vụ tấn công vừa qua không nhằm vào người Hồi giáo đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh Ai Cập và tác động xấu tới nền kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch của nước này.