Đào và ý nghĩa của sắc đào ngày Tết
Theo phong thủy, cây đào là loại cây quan trọng nhất, tinh hoa của ngủ hàng. Những cành đào tươi thắm có tác dụng xua đuổi tà ma và trị được bách quỷ. Với quan niệm đó, từ bao đời nay, mỗi khi Tết đến xuân về, các gia đình ở miền Bắc đều cố gắng mang về nhà sắc đào tươi thắm. Những gia đình có điều kiện thì trồng đào trước cửa, bằng không thì mua chậu đào đặt trong nhà, cành đào cắm lọ lục bình hoặc chí ít thì cũng vài nhánh đào cắm lọ đặt lên bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên. Cũng từ quan niệm đó, khi mua đào, nhiều người cho rằng: đào càng thắm, càng tươi và nhiều lộc càng đem đến bình an, may mắn trong năm mới cho gia chủ.
Theo kinh nghiệm của những người trồng đào lâu năm tại vườn đào Nhật Tân (Tây Hồ - Hà Nội), những cây đào có thân to, sần sùi, thế đẹp và lâu năm thì càng đắt tiền. Người Nhật Tân thường truyền tai nhau rằng: “Đào càng già càng quý, càng mang đến nhiều bình an”.
Thêm nữa, Tết là dịp đoàn viên, gia đình sum họp, nên những cây đào có thế quần tụ được nhiều người tìm mua hơn cả. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ thế nào là cây đào có thế quần tụ để mua cho đúng và không bị nhầm sang những thế khác? Đào có thế quần tụ phải có tán vươn lên cao, biểu tượng cho đấng sinh thành. Những cành còn lại thường thấp và nhỏ hơn, vây lấy xung quanh tượng trưng cho con cháu. Những cây đào này là biểu tượng của tình cảm gia đình, sự ấm áp, sum họp và nhớ đến công ơn của cha mẹ. Ngoài ra còn có nhiều thế đào khác như thế trực đổ, long giáng, ngũ phúc, phu thê... Mỗi thế đào mang ý nghĩa khác nhau, tùy theo quan niệm và mong ước của từng người mà chọn lựa theo ý muốn.
Cây đào có thế quần tụ biểu tượng của tình cảm gia đình |
Đào thế ngũ phúc rất được ưa chuộng vì quan niệm mong có nhiều hạnh phúc, an khang |
Người Miền Bắc, nhất là người Hà Nội chuộng đào Nhật Tân không chỉ vì dáng đẹp mà còn vì sắc hoa luôn tươi tắn, mang đến cảm giác ấm áp, sung túc. Tuy nhiên, để chọn được gốc đào Nhật Tân “chính hiệu” không ghép với đào rừng, đào Sơn La không dễ. Anh Hùng (Hoàng Mai) chia sẻ: “Nhà tôi năm nào cũng lên đây mua đào. Nhưng không phải giáp Tết mới đến mà ngay trong thời điểm này đã phải lên chọn gốc, chọn cây, như thế mới có dáng đẹp, vừa ý. Đi mua đào đã nhiều năm, nhưng tôi vẫn không phân biệt được đâu là đào Nhật Tân gốc, đâu là đào ghép, nên luôn phải nhờ ông cụ đi cùng. Bởi phải người nhiều kinh nghiệm mới phân biệt được”.
Theo ông Long - chủ một vườn đào Nhật Tân, đào Nhật Tân nguyên gốc thường chỉ có hai loại là đào bích và đào phai. Tuy nhiên, số lượng đào phai không nhiều. Đào bích thường có tán hoa rộng, màu hồng thắm nghiêng đỏ, màu sắc trải đều, kể cả những cánh hoa nhỏ nhất vẫn giữ nguyên màu không pha lẫn. Gốc đào bích thường to và có thể đánh về chơi trong những chậu lớn. Còn đào phai có màu sắc nhạt hơn, chỉ phớt hồng, có cả cánh kép và cánh đơn, nhìn mỏng hơn cánh của đào bích. Loại đào này thường ít hoa, cành nhỏ hơn. Người mua đào tại vườn thường được tư vấn, hướng dẫn đầy đủ. Tùy theo nhu cầu và tài chính của khách, chúng tôi sẽ giới thiệu những gốc đào khác nhau”.
Tuy nhiên, đào cành được ưa chuộng và phổ biến hơn cả vì hợp túi tiền lại có thể cắm chơi trong lọ lục bình hay cắm lên bàn thờ gia tiên. Chọn đào cành không phân biệt cành to hay nhỏ đều phải chọn loại có tán tròn. Các nhánh phân bố đều khắp, không dày quá, không thưa quá. Đào có dăm nhỏ thường có nhiều nụ và mập hơn, khi nở hết nhìn rất đầy đặn, tươi tắn. Mua đào cành nên hơ gốc đào qua lửa sau đó cắm vào nước sạch, cho thêm vài viên thuốc B1, đào sẽ tươi lâu và bền màu hơn.
Những người tin phong thủy còn chọn bình cắm và hướng đặt đào dựa theo từng năm và dựa theo những màu sắc khác nhau. Chẳng hạn: Nếu là năm Dậu, Sửu, Tỵ, thì bình nên có màu đỏ, tím và đặt về hướng Nam. Năm Ngọ, Tuất, Dần đặt bình về hướng Đông với màu xanh ngọc, xanh lá. Năm Tý, Thìn, Thân lọ nên có màu vàng, nâu và đặt ở hướng Tây. Năm Mão, Mùi, Hợi bình đặt về hướng Bắc và có màu xanh da trời, màu đen.
Nhìn chung, với người dân miền Bắc, việc có một cành đào cắm tại nhà trong những ngày Tết là vô cùng quan trọng. Ngoài ý nghĩa trừ tà, sắc đào ấm áp còn khiến không khí gia đình trở nên ấp cúng hơn, mang đến sự an khang, thịnh vượng, biểu tượng của sự phát triển, đâm chồi nảy lộc trong năm mới.
Quất nhiều quả không bằng nhiều lộc, lá
Theo kinh nghiệm của những người chơi quất lâu năm, cây quất được coi là đẹp khi hội tụ cả bốn yếu tố: quả đẹp, dáng đẹp, lộc lá tươi tốt và có chút nụ hoa mới hé. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất mà người chọn quất nhìn vào chính là lộc, lá của cây chứ không phải là dáng hay quả. Bởi vì cây càng nhiều lộc, thì gia đình đó càng nhiều may mắn.
Điểm quan trọng nhất mà người chọn quất nhìn vào chính là lộc, lá của cây quất |
Trong dân gian thường quan niệm: Quất cảnh ngày Tết là đại diện của sự thịnh vượng, may mắn, sức khỏe, trường thọ và tình duyên. Không phải ngẫu nhiên những gia đình làm nghề kinh doanh thường chọn những cây quất thật to, thật đẹp đặt ở trước cửa, thậm chí đặt hai cây vì họ luôn nghĩ rằng: Những cây quất cành lá xum xuê, quả bóng vàng, căng mọng sẽ đem đến tài lộc, thịnh vượng cho cả một năm làm ăn sắp tới.
Trong vài năm gần đây, những cây quất “tí hon” hay quất Bonsai đang được nhiều người ưa chuộng hơn cả. Những cây quất này có giá đắt gấp nhiều lần quất cảnh thông thường, trung bình giá dao động trong khoảng 5-10 triệu đồng.
Quất Bonsai phù hợp với những gia đình có phòng khách nhỏ, không gian chật hẹp, nhưng vẫn muốn có cây quất trong nhà để thêm phần thịnh vượng. Giá cả đắt như vậy là do để “thiết kế” được cây đẹp không dễ. Để trồng được cây quất Bonsai phải mất ít nhất 2 năm. Những công việc như bắt sâu, bón phân, tỉa cảnh, tạo dáng phải làm hàng ngày và vô cùng tỉ mỉ.
Một hộ trồng quất lâu năm tại Tứ Liêm (Tây Hồ) cho biết: “Quất đẹp phải có gốc to, thân ngắn, thường có dáng thông hoặc hình tháp. Muốn đẹp hơn thì đặt nhà vườn những cây quất được tạo thế sẵn”. Cây quất “đạt chuẩn” nhất phải có đủ “tứ quý”, gồm quả có cả vàng lẫn xanh tượng trưng cho gia đình nhiều thế hệ, nối tiếp nhau phát triển, lá chồi con xanh non, nụ hoa trắng phảng phất hương thơm. Không nên chọn quất có quá nhiều quả, vì như thế quả sẽ rất bé và không đẹp.
Những dáng được nhiều người ưa chuộng nhất là dáng mẫu tử, tứ quý, ngũ phúc, tam đa… Anh Huy (Ba Đình) cho biết: “Nhà tôi trước chơi quất cảnh, nhưng do nhà chật, cây lại to chiếm hết diện tích nhà nhìn không đẹp. Năm nay, tôi quyết định lên đây xem có cây Bonsai nào đẹp thì mua về chơi, vừa thanh cảnh, nhẹ nhàng lại không tốn chỗ”.
Đào và quất là hai loại cây không thể thiếu vào dịp Tết của hầu hết gia đình ở Miền Bắc, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Để có thể mua được những dáng cây đẹp, có ý nghĩa, mỗi người nên trang bị cho mình những kiến thức nhất định về việc chọn và chăm sóc cây vì chúng không chỉ là loại cây trang trí ngày Tết mà còn đem đến sự bình an, sung túc, thịnh vượng cho mỗi gia đình trong năm mới.
Theo Sống Mới