Cải cách hành chính: Nhiều nhưng chưa đủ
Được xem là nơi nắm giữ huyết mạch của nền kinh tế, cải cách hành chính của ngành ngân hàng luôn là mối quan tâm lớn của giới doanh nghiệp (DN) và người dân. Theo đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ngân hàng không chỉ để đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân giám sát quá trình giải quyết TTHC mà còn nhằm hoàn thiện dần hành lang pháp lý theo hướng vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chính sách tiền tệ, quản lý hoạt động ngân hàng, vừa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN và người dân tiếp cận dịch vụ tài chính.
Vai trò ấy khiến cỗ máy quản lý nền tiền tệ quốc gia gần như đã “chạy hết công suất” trong suốt thời gian qua, với ghi nhận 3 năm liền (2015-2016-2017) luôn dẫn đầu các bộ ngành về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Riêng năm 2018, NHNN còn cắt giảm gần 100 TTHC với tổng chi phí tuân thủ cắt giảm bình quân hơn 10%/năm, vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao; thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 80/257 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, tương đương 31%.
Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã có nhiều đổi mới, đơn giản hóa quy trình cho vay, giảm bớt phiền hà cho người vay; không ngừng “nâng cấp” mô hình giao dịch một cửa. Qua đó giảm chi phí hoạt động, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ từ 20% đến 50%.
Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ hơn đã tạo thuận lợi cho cắt giảm nhiều loại phí dịch vụ; công khai, minh bạch quy trình cung cấp dịch vụ và lãi suất cũng đã được các nhà cho vay thực hiện nghiêm túc.
Ngân hàng của những năm trước đây - khi mà người cho vay còn là “kẻ mạnh”, người đi vay chỉ là “kẻ yếu” thì rõ ràng khó mà nói tới cải cách hành chính. Tuy nhiên, ngày nay, áp lực cạnh tranh của 183 TCTD, 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô đã khiến quan hệ doanh nghiệp-ngân hàng trở nên bình đẳng. Thế nên, hơn ai hết, các nhà cho vay đều hiểu rằng nếu không cải cách sẽ tự làm khó mình trong sự phát triển.
Tuy nhiên, theo nhận định từ Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, “đây đó vẫn còn tình trạng người dân và DN phàn nàn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay, nhất là các DN nhỏ và vừa”. Do đó, một trong những chỉ tiêu đánh giá các TCTD là tiêu chí về cải cách hành chính. “Siết cải cách hành chính trong ngành ngân hàng không phải chỉ để xử phạt, trừ phi có vi phạm thực sự, mà là để tăng cường sức cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung”, nhà quản lý ngành khẳng định.
Không thể “một mình một ngựa”
Từ phía nhà tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho giới doanh nghiệp, luật sư Vũ Quyết Tiến (Công ty Luật Globalink) cho rằng cải cách trong ngân hàng sẽ đạt hiệu quả tốt hơn khi các bộ ngành cùng nhau tháo gỡ các nút thắt. Trong đó, đáng chú ý là các vướng mắc về quản lý tiền tệ do khác biệt pháp lý giữa luật pháp Việt Nam và luật pháp các nước.
Cũng theo nhà tư vấn trên, từng có DN “mắc kẹt” với quy trình chuyển vốn ra nước ngoài nhằm mục đích đầu tư vào hộ kinh doanh cá thể ở Phần Lan, nơi thừa nhận tài khoản của loại hình DN này gắn liền với tư cách cá nhân. Thế nên, dù đã có xác nhận của NHNN cho phép chuyển vốn ra nước ngoài nhưng ngân hàng thương mại lại “bắt bẻ” rằng tiền phải được chuyển vào đúng tài khoản của dự án, không phải là tài khoản cá nhân.
Nói thêm về thủ tục đầu tư ra nước ngoài, người đại diện Globalink cũng cho rằng thực tế thời gian để DN hoàn tất một TTHC luôn dài hơn lý thuyết. Cụ thể, quy định về đầu tư ra nước ngoài nói nhà đầu tư sẽ được cấp phép trong 15 ngày kể từ lúc nộp đủ hồ sơ, nhưng hãng luật thường mất từ 30-60 ngày mới hoàn thành. Sau đó là giai đoạn nhà đầu tư sang NHNN để làm thủ tục xin chuyển vốn đi - nếu “may mắn” mới có thể lấy được xác nhận ấy trong 10 ngày như quy định. Tiếp theo là “phần việc” của ngân hàng thương mại… “Với ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay, liệu có thể rút ngắn thời gian đăng ký TTHC của nhà đầu tư không? Có thể cho nhà đầu tư đăng ký TTHC trực tuyến không? Thủ tục này có cần thiết phải duy trì hay không?”, vị luật sư đặt dấu hỏi.
Phản hồi lại băn khoăn ấy, TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM, cho rằng TTHC trong những trường hợp như trên là rào cản để giảm thiểu rủi ro cho cả nền kinh tế. Hơn nữa, đây không chỉ là quy định riêng có của ngành ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, chỉ có thể đơn giản hóa TTHC sao cho thông thoáng hơn chứ không thể bỏ đi hoàn toàn. “Nếu cắt bỏ thủ tục này, ai sẽ giúp chúng tôi phòng chống rửa tiền? Rất nhiều Việt kiều Đức muốn chuyển tiền về nước nhưng Vietinbank tại Đức cũng không giúp được vì người chuyển tiền không thể chứng minh đây là nguồn tiền hợp pháp theo luật pháp Đức”, TS. Nguyễn Đức Trung giải thích thêm.
Dù sao, trong một nền kinh tế, các thành phần của mọi cuộc cải cách ngành đều có liên quan chặt chẽ với nhau và ngành ngân hàng cũng không thể là ngoại lệ, không thể mãi “một mình một ngựa” nếu thiếu sự chung sức và liên kết chặt chẽ để cùng tiến với các bộ ngành khác. Sự mong đợi ấy từ những người thụ hưởng hiệu quả cải cách có lẽ cũng là điều phổ biến. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, cũng cần hiểu rõ rằng cải cách TTHC là để tạo ra thuận lợi lớn hơn cho người dân và DN nhưng vẫn phải đảm bảo giữ được sự an toàn cho hệ thống huyết mạch của nền kinh tế.