Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phục vụ những gì doanh nghiệp, người dân cần và yêu cầu

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân phát triển kinh doanh, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng phục vụ những gì doanh nghiệp, người dân đang cần chứ không phải phục vụ những gì mình đang có.


Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phục vụ những gì doanh nghiệp, người dân cần và yêu cầu

Đây là thông tin được ông Võ Văn Hoan chia sẻ với phóng viên sau kỳ họp thứ 14 (kỳ họp bất thường) HĐND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 - 2021 bỏ phiếu bầu và ông đã đắc cử tân Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.

Thưa ông, thách thức nào ông phải giải quyết khi đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phụ trách mảng tài chính - thương mại, ngân hàng, hải quan, dịch vụ?

Chú thích ảnh
Tân Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Cương vị mới vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tôi giúp TP Hồ Chí Minh phát triển hơn, hoàn thiện hơn các mảng mà thành phố đang thiếu người lãnh đạo. Cụ thể, chỉ riêng ngành dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế của thành phố đã có nhiều thách thức giữa các doanh nghiệp trong ngành, sự cạnh tranh của các địa phương, thách thức cạnh tranh giữa Việt Nam và thế giới. Do vậy, mỗi doanh nghiệp thành phố phải tự nỗ lực để vượt qua các thách thức và đồng hành cùng chính quyền thành phố đóng góp vào sự nghiệp chung xây dựng kinh tế - xã hội - văn hóa của thành phố.

Về phía TP Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ xây dựng cơ chế chính sách để phục vụ những gì doanh nghiệp cần chứ không phải những gì mình có; đồng thời vận động doanh nghiệp phát triển những gì mình có sang phát triển những gì phục vụ cho người dân có nhu cầu. Nghĩa là sẽ phải thay đổi tư duy của cả doanh nghiệp và các nhà quản lý. Cụ thể, trong giáo dục, y tế, văn hóa thể thao lâu nay chính quyền phục vụ cho dân những cái đang có thì nay tiến tới phải phục vụ cho dân những cái mà dân muốn. Muốn thay đổi tư duy trên, Thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư máy móc thiết bị và phát triển dịch vụ xã hội để phục vụ các tầng lớp nhân dân.

Thách thức rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là người lãnh đạo phải có tư duy phát triển để phục vụ dân theo nhu cầu, nắm bắt mọi tín hiệu thị trường để dân hưởng thụ nhiều hơn, doanh nghiệp phát triển tăng hơn, tăng thu ngân sách cho thành phố cao hơn.

Ông có lo lắng gì khi dường như ông không có thế mạnh với ngành kinh tế tài chính, ngân hàng…? Ông sẽ phải làm gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ mới?

Là lãnh đạo và quản lý có chuyên môn nghiệp vụ sâu thì rất tốt, nhưng quản lý nhà nước ngoài nghiệp vụ sâu cũng cần có cái nhìn tổng thể để cân nhắc, tính toán, cân đối... để chúng ta vượt qua những khó khăn của thực tiễn, để giải quyết tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân. Bản thân tôi chỉ học ngành kinh tế, biết kế toán tài chính... nhưng thực tiễn làm việc giúp tôi hiểu được một vấn đề cơ bản về kinh tế, ngân sách từ khi làm ở Văn phòng Ủy ban, về địa phương rồi về lại UBND TP Hồ Chí Minh. Những cái biết là bài học đầu tiên, nhưng quá trình làm việc tôi sẽ học hỏi thêm từ thực tiễn, anh chị em; cái gì khó quá thì báo cáo các cấp lãnh đạo chỉ đạo, hỗ trợ. Nhưng tinh thần chung, tôi nghĩ không đến nỗi khó. Tất cả mọi cái điều có nguyên nhân, kinh nghiệm và giải pháp, vấn đề là cân đối, tìm gốc rễ để đưa ra quyết sách đúng đắn, lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ.

Để hoàn thành nhiệm vụ mới, trước mắt tôi thấy mấy việc lớn cần tiếp tục làm và sớm nghiên cứu thông qua, như: Đề án thành lập Trung tâm tài chính TP Hồ Chí Minh, đề án logictis, thương mại điện tử, chiến lược phát triển dịch vụ du lịch… Tổng kiểm tra, rà soát, phân loại để đề ra phương án và lộ trình xử lý nhà công, đất công, không để tình trạng xử lý mang tính tự nhiên, tự đơn vị đề xuất, tự đơn vị xử lý. Không để tình trạng quản lý không chặt chẽ tài sản ở ngoài gây thất thoát ngân sách nhà nước, tạo nguồn thu ngân sách để TP Hồ Chí Minh sớm thực hiện các chương trình, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng điểm của thành phố.

Đến cuối năm 2020, TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp, với vai trò Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phụ trách mảng kinh tế tài chính, doanh nghiệp, ngân hàng…ông sẽ làm những gì để giúp thành phố hoàn thành nhiệm vụ trên?.

Theo một nghiên cứu gần đây, một nền kinh tế phát triển, khoảng 20 người dân thì có một doanh nghiệp. Kinh tế Việt Nam đang hướng theo mô hình này của các quốc gia phát triển và Chính phủ đặt mục tiêu cuối năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Hiện TP Hồ Chí Minh chiếm 50% số lượng doanh nghiệp cả nước thì theo mục tiêu Chính phủ, TP Hồ Chí Minh phải có 500.000 doanh nghiệp. Từ mục tiêu của Chính phủ giao và từ thực lực của TP Hồ Chí Minh, hai năm vừa qua, TP Hồ Chí Minh cũng đã suy nghĩ để đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 500.000 doanh nghiệp vào cuối năm 2020. Đây là mục tiêu hết sức lớn, bởi doanh nghiệp mình không phải lớn, người dân có vốn nhưng kinh nghiệm quản lý điều hành, tư duy làm ăn theo kinh tế thị trường chưa phải là phổ cập.

Hơn nữa, trong thời buổi hội nhập và cạnh tranh như hiện nay, sự khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là điều kiện cho sự phát triển và nhiều việc cần trợ giúp của Nhà nước. Chính bản thân các doanh nghiệp họ tự "bơi" nhưng không thể "bơi" xa, "bơi" bền, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp lớn cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ, đưa họ vào mô hình nào đó để tạo điều kiện cùng mình phát triển. Thành phố có nhiều chính sách, có những cái triển khai đạt được một số kết quả, nhưng cũng có cái định ra bước đầu về tên gọi, cách làm chứ chưa nghiên cứu sâu để ban hành. Sắp tới, Thành phố tổng rà soát để bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi khởi nghiệp. Những cái định hướng nhưng chưa ra được thì tiếp tục nghiên cứu sâu và sớm ban hành. 

Theo Báo Tin tức
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.