PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, BV Việt Đức cho biết, bệnh nhân Lê Q. H., 24 tuổi ở Phú Thọ được chuyển đến BV ngày 7/7 vừa qua trong tình trạng da niêm mạc nhợt, huyết động ổn, vết thương đứt gần rời dương vật, đã được khâu cầm máu tại tuyến dưới.
Ngay lập tức, bệnh nhân được mổ cấp cứu với tổn thương đứt hết bó mạch thần kinh của dương vật, đứt đôi niệu đạo, đứt gần rời vật hang 2 bên.
Bệnh nhân đã được nối vi phẫu thuật động mạch dương vật, nối thần kinh dương vật, tĩnh mạch mu sâu, nối vật hang, nối niệu đạo. Sau mổ tình trạng bệnh nhân ổn định, dự kiến ra viện sau 3-5 ngày nữa.
Anh H. cho biết mới lấy vợ được 1 năm, chưa có con, do mẫu thuẫn gia đình nên vợ anh cầm dao cắt phăng “của quý” của chồng.
PGS Quang cho biết, hàng năm, khoa tiếp nhận hàng chục ca bệnh nhân bị vết thương dương vật do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có không ít ca bị đứt rời.
Tổn thương đứt rời ở dương vật không phải hiếm ở Việt Nam. Thông thường tổn thương gây ra bởi vật sắc nhọn, cần phải cấp cứu xử trí kịp thời, nhất là phải bảo quản chi thể (dương vật bị cắt rời).
Nếu phần đứt lìa được bảo quản đúng cách thì khả năng khôi phục hoàn toàn hình dạng và chức năng của bộ phận này lên tới 80-90%.
PGS Quang khuyến cáo, ngay sau khi phần chi thể đứt rời (dương vật bị đứt rời) phải được rửa qua bằng nước muối sinh lý; bọc gạc ẩm tẩm nước muối sinh lý rồi cho vào túi ni lông. Sau đó cho vào hộp đựng đá.
Lưu ý, không được đặt chi thể đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá. Sau đó, bệnh nhân cần được chuyển đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt (chậm nhất là trước 6 tiếng) để phẫu thuật nối lại.
Đặc biệt, cần tránh cho phần chi thể đứt rời được bảo quản tiếp xúc gần “hung thủ” cũng như sau phẫu thuật phải bảo vệ bệnh nhân tránh tiếp xúc với “hung thủ”, bởi một số trường hợp sau phẫu thuật, bệnh nhân bị “hung thủ” tấn công tiếp.