Người phụ nữ 37kg đầy nghị lực
Tìm đường về xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, hỏi gia đình là cô L. dân làng, người nào cũng nhiệt tình chỉ giúp. Từ đầu làng, tới cuối xã, ai cũng xuýt xoa cho tấm lòng nhân hậu hiếm có của cô.
Gặp cô L. tại trạm y tế xã, nơi cô công tác. Lúc chưa gặp mặt, chúng tôi ai cũng tưởng rằng cô phải to khỏe lắm mới có thể gánh trên vai những vất vả của một cuộc hôn nhân không tương xứng. Nhưng trước mặt PV, người phụ nữ đó có khuôn mặt khắc khổ, cái dáng tất tưởi, nhỏ nhắn nhưng lại rất đỗi dịu dàng như dòng nước sông nơi đây chảy hiền hòa, chạy bao quanh, ôm trọn làng cô đang ở.
Cô chia sẻ, cuộc đời cô không bao giờ béo lên được, cùng lắm là 43, 44 kg. Lúc cô vất vả nhất chính là lúc cô gầy nhất. Cô L. nhớ lại: "Năm đó tôi cũng hơn 30 tuổi, nặng có 36, 37kg mà vừa đi làm y tá, vừa đi làm ruộng lại vừa chăm chồng ốm đau bệnh tật với 3 đứa con riêng".
"Làm mẹ chúng nó, tôi chỉ có lãi vì kiếm đâu ra những đứa con ngoan, thương mẹ như thế", cô L. bày tỏ.
Tôi hỏi cô: "Vì đâu, cô lại có nghị lực phi thường như vậy". Cô L. tếu táo, mỉm cười khi chia sẻ: "Kêu khổ thì cũng làm gì có ai cho mình cái gì đâu mà kêu. Phải tự mình cô gắng thôi".
Làng cô từ xưa tới nay đã nghèo "truyền thống". Thuở nhỏ, cô L. phải đi mò cua, bắt ốc. Học đến lớp 7 thì bỏ ngang vì nhà cái nghèo nó đeo bám. Cô L. sớm phải ra xã hội bươn trải, làm lụng đủ thứ nghề, từ làm ruộng rồi qua HTX làm thuê.
Khi có chút "công ăn việc làm" trong tay, ngày thì cô đi làm, tối về cô lại cặm cụi đi học bỏ túc để kiếm thêm kiến thức. Cho dù sống trong hoàn cảnh đất nước còn muôn vàn khó khăn, nhưng cô L. đã có suy nghĩ rất tiến bộ khi xác định con đường để thoát khỏi cái nghèo, cái khổ là phải học lấy cái chữ.
Năm cô 28 tuổi, chưa một mảnh tình vắt vai, cô L. "khăn gói" lên Hà Đông, học trung cấp Y với ước mơ được khoác áo blue trắng.
"Làm mẹ chúng nó, tôi chỉ có lãi vì kiếm đâu ra những đứa con ngoan, thương mẹ như thế", cô L. bày tỏ.
Khi cô đi học và trở về làng làm công tác phụ nữ, cô đã 33 tuổi và chưa một lần biết yêu. Ở cái thời đó, gái 20 tuổi mà chưa có chồng đã bị coi là ế. Vậy mà, cô đã đầu 3 đít chơi vơi mà tình cảm "nam- nữ" cô còn chưa biết được mùi vị.
Bố mẹ sốt ruột vì thương con gái, giục cô mãi nhưng cô vẫn khất lần, khất lượt vì mặc cảm: "Lúc đó mình hơn 30 rồi. Chưa yêu ai nên cũng ngại với xã hội. Người ta gọi mình là gái lỡ làng, bạn bè cùng trang lứa ai cũng có chồng, có con hết mà mình vẫn cô đơn lẻ bóng".
Người phụ nữ nghị lực chấp nhận làm vợ 2, nuôi chồng bệnh và 3 đứa con riêng
Ngày đó, có anh bộ đội phục viên thương cô lỡ thì liền đặt trầu cau sang rạm ngõ. Khổ nỗi, người đàn ông đó đã có vợ nhưng vợ anh không may mất sớm, để lại 3 đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn. Cũng vì vậy, người đàn ông khổ sở đó phải sống trong những áp lực vô hình, khiến thần kinh của ông không còn được minh mẫn.
Trong những khoẳnh khắc kể về chồng mình, cô L. tuyệt đối cấm mọi người nói ông bị "điên, bị khùng hay bị tâm thần", mà cô chỉ nhẹ nhàng chỉnh lại rằng "chồng cô không được minh mẫn, nhanh nhạy như người ta".
Cô L. xúc động bày tỏ: "Vì vợ mất sớm, gánh nặng 3 đứa con gái nên ông ấy bị áp lực. Ở cái vùng nông thôn này, ngày xưa gia đình nào mà đẻ đến tận 3 đứa con gái mà không có con trai nỗi dõi thì coi như là vô phúc. Vợ cũ của anh ấy thì bị hậu sản mà qua đời, áp lực sinh ra áp lực nên mới sinh bệnh".
Căn nhà đó trước đây chỉ là túp lều tranh rách nát. Nhưng nhờ bàn tay của cô nó đã khang trang, sạch sẽ.
Ngày xưa, chồng cô L. nổi tiếng đẹp trai nhất nhì làng, lại có tài hát hò nên biết bao cô gái thầm thương, trộm nhớ. Nhưng với cô L., tình yêu không phải xuất phát từ tài năng hay đẹp trai mà xuất phát từ tấm lòng.
"Chú là một người hiền lành, thật thà, thương vợ, thương con nên tôi mới ưng lòng. Cho dù chú có bệnh tật thi thoảng nói nhảm, nói linh tinh nhưng bản chất chú không phải thế" - Cô L. tâm sự.
Ngày đầu tìm hiểu, cô L. bị vấp phải sự phản đôi của bố đẻ. Bản thân cô cũng phân vân lắm, nhưng tự nghĩ mình không còn sự chọn lựa vì đã qua cái tuổi son sắc. Cũng một phần là do gia đình, họ hàng, bà con lối xóm động viên. Nên cô mới xuôi lòng, thuận theo chữ "duyên" về làm vợ người đàn ông đã không còn "lành lặn" trí tuệ.
Ngày cô về làm vợ của người đàn ông đó, cả làng được chứng kiến một lễ cưới tưng bừng. Ai cũng thương cho cô vì biết trước cái khổ nó đang bày ra trước mặt.
Vậy là cô về làm mẹ kế 3 đứa con gái riêng của chồng. Đứa lớn thì 14, đứa nhỏ thì lên 8, chúng nhìn cô bằng ánh mắt xa lạ. Nhưng từ xưa, cho đến nay cô chưa bao giờ coi mình là mẹ ghẻ của chúng: "Tôi thương chúng vì mẹ nó mất sớm. Nên tôi về làm mẹ chúng, thương chúng như con mình".
Lúc đầu, những đứa trẻ gọi cô bằng "mợ". Nhưng sau một thời gian ngắn, bằng tình yêu thương vô bờ của mình, những đứa con không phải do cô đẻ ra cũng gọi "mẹ" như một lẽ tự nhiên. Cô L. cũng nhận mình là người may mắn, khi không phải đẻ mà lại có 3 đứa con gái ngoan, thương mẹ như thế.
Ngày cô về, căn túp lều của gia đình cô đứng trước gió còn sợ sập huống chi đây là nơi cho 5 con người chui ra chui vào để mà sống. Chồng thì bệnh tật, mất khả năng lao động, 3 đứa con thì nhỏ dại, đang tuổi ăn tuổi lớn. Một mình cô tất tả ngược xuôi làm lụng, kiếm tiền nuôi con chồng, nuôi con riêng để chúng không bị thua thiệt, mặc cảm với con nhà người ta.
Bất cứ công việc gì cô xắn tay đi làm. Sáng cô làm ở trạm y tế, chiều cô đi làm ruộng, lại còn cấy thuê ruộng cho nhà người ta. Tối đến cô đi làm công tác dân vận cho chị em phụ nữ. Ngoài ra, biết bao nhiêu công việc không tên cũng một mình tay cô làm hết. Những đứa nhỏ chỉ có việc ăn rồi ngồi vào bàn học.
Con lớn hiểu chuyện, thương mẹ khổ nên nhất định xin mẹ nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Nhưng cô L. nhất định phản đối. Cô đành nuốt nước mắt vào trong, cố cầm nước mắt để chúng không nhận ra.
Cô L. xúc động: "Tôi chỉ khuyên cháu là, mẹ khổ kệ mẹ nhưng mẹ nhất định cho con đi học lên người. Nên con cố học thật giỏi, điều đó đã khiến mẹ mãn nguyện rồi".
Nghe mẹ, người con gái đó cô gắng học hành để theo nghành giáo dục mầm non. Ngày đưa con ra bến xe nhập học, nước mắt của người mẹ đó rơi như vô thức vì hạnh phúc, vì mọi sự cố gắng của mình đều đã được đền đáp.
Chị N.T.L, người con gái đầu của cô L cho biết: "Chúng em chưa bao coi mẹ là mẹ kế. Mẹ chỉ thiếu mỗi việc sinh ra bọn em thôi. Còn đâu mẹ làm tất cả, hi sinh cho bọn em để có được ngày hôm nay".
Bản thân cô cũng kịp sinh cho mình một đứa con gái. Nhưng chưa bao giờ cô phân biệt, con đẻ, con riêng. Cô nuôi dạy chúng như nhau không hề thiên vị ai.
Các người con của cô đều thành người có ích cho xã hội. Người làm giáo viên, người làm công nhân viên chức nhà nước. Con út của cô thì đỗ điểm cao vào ĐH Bách Khoa. Chỉ có con thứ 2 là khổ, vì đi lấy chông sớm mà hôn nhân không hạnh phúc.
"Tôi thương nó nhất, nó là đứa khổ nhất. Nhiều khi thấy con khóc trong điện thoại vì không hạnh phúc mà mình cũng khóc. Chỉ khuyên con, nếu khổ quá thì về đây với mẹ. Mẹ có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Về đây mẹ nuôi cả hai mẹ con", Cô L. rơm rơm nước mắt.
Người phụ nữ đảm việc nhà, chăm việc nước
Ở nhà cô là con dâu mẫu mực, người vợ đảm đang, là người mẹ mẫu mực. Ra ngoài xã hội, cô được mọi người kính trọng vì cái cách cô cư xử với mọi người.
Cô được kết nạp Đảng viên từ những năm 1990, lúc cô L. còn đang công tác tại trạm y tế xã. Và từ trước tới nay, cô L. luôn thực hiện tốt đạo đức của một Đảng viên khi "giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Cuộc sống của cô luôn tất bật với những đứa con.
Cô Bùi Thị Việt, người cùng làng cho biết: "Cô L. công tác ở trạm y tế xã. Về nhà, cô mở một trạm xá tư để mọi người có thể tìm đến khám chữa bệnh bất cứ lúc nào. Không chỉ vậy, cô L chữa bệnh rất mát tay, giá lấy lại rẻ hơn ở những nơi khác. Thậm chí, với những người nghèo, cô còn bỏ tiền túi ra cứu chữa, lại còn cho thuốc, hoa quả mang về tẩm bổ".
Cô L. cười xuề xòa: "Chuyện đó có đáng gì đâu. Người ta nghèo thì người ta mới tìm đến mình. Cũng chỉ bỏ ra một chút sức để giúp đời thôi".
Người trong làng ví cô như một bông hoa đẹp của xã Châu Can. Nhưng mọi mỹ từ dành cho cô, cô đều nhã nhặn từ chối. Bởi vì trong lòng người phụ nữ bé nhỏ đó dường như không màng tới "danh vọng" hay những phù phiếm, xa hoa mà người đời ca tụng.
Vì vậy, người viết bài này xin phép giữ đúng ý nguyện của cô là không để tên cô trên mặt báo. Để cô vẫn mãi chỉ là bông hoa nở ven bờ sông Châu Giang. Cả đời, chẳng đi đâu ra khỏi làng mà âm thầm làm đẹp cho quê hương.
BTV