Tỏa sáng tấm lòng nhân ái
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới xã phường, thôn bản, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân… Ngành Y tế Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới như tim mạch can thiệp, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, ghép tạng, ghép chi… đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật y học trong thực hành lâm sàng nhanh nhất trên thế giới.
Đại dịch COVID-19 vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến toàn ngành Y tế, từng y, bác sỹ và mỗi người dân. Đến nay chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19, là tiền đề quan trọng để phục hồi và thực hiện toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
“Trong những thời điểm gian nan, chúng ta đã chứng kiến nghĩa cử cao đẹp, đức hy sinh, trái tim nhiệt huyết, sự tỏa sáng từ tấm lòng nhân ái của đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế không ngại hy sinh gian khổ, dấn thân đi vào tâm dịch, tiếp xúc với những mối nguy hiểm, nhận về mình rủi ro, hết lòng phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến…, trong số đó có nhiều y, bác sỹ, nhân viên y tế đã hy sinh, mãi mãi không trở về”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương xúc động nói.
Gỡ nút thắt trong thực hiện nhiệm vụ
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc với Bộ Y tế nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Từ thực tiễn hoạt động của ngành Y tế thời gian qua, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: Dù đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, cố gắng vượt qua nhiều gian khổ, nhưng ngành Y tế trong thời gian tới cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đại dịch COVID - 19 cũng đã làm bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế của ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong bố trí sử dụng cán bộ. Cơ chế quản lý bộc lộ nhiều khó khăn, lúng túng trong xử lý mối quan hệ giữa công tác lãnh đạo, điều hành với phát huy trí tuệ, tài năng chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; giữa giữ gìn y đức với thực hiện bài toán kinh tế, chăm lo đời sống, nâng cao thu nhập của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ...
Bày tỏ đồng tình và đánh giá cao những định hướng, quyết tâm và giải pháp toàn ngành Y tế đang nỗ lực triển khai, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị ngành Y tế tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ nút thắt trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, ngành chủ động nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên giáo dục y đức cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động trong ngành Y tế.
Bên cạnh đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tiếp cận và làm chủ kỹ thuật tiến tiến, bảo đảm yêu cầu phát triển, ngành tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế, tăng cường hợp tác công tư trong đầu tư cho sự nghiệp y tế, tạo điều kiện cho mỗi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất.
Ngành Y tế cần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế giai đoạn 2021- 2025, theo Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, phối hợp cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu chuyên sâu, các kết quả nổi bật của ngành. Bên cạnh làm tốt công tác định hướng thông tin những vấn đề thực tiễn mang tính nhạy cảm, bức xúc, các phản biện xã hội liên quan đến các lĩnh vực của ngành, cần tăng cường công tác dự báo, trao đổi thông tin nhằm làm rõ và đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề bất cập, nổi cộm trong lĩnh vực y tế.
Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực
Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội, ngành Y tế đã thực hiện vượt và đạt 3/3 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu số bác sĩ trên 10.000 dân thực hiện là 11,5 bác sỹ (vượt chỉ tiêu được giao 9,4 bác sĩ/10.000 dân); số giường bệnh trên 10.000 dân là 31 giường bệnh (vượt chỉ tiêu được giao 29,5 giường bệnh/10.000 dân); tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là 92,03% dân số (đạt chỉ tiêu được giao 92% dân số).
Năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức, biến cố đối với ngành Y tế; đặc biệt là sau khoảng 3 năm chống dịch COVID-19 đã phát sinh thêm nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác y tế, tác động không nhỏ đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế.
Bộ Y tế đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm duy trì nhân lực y tế cần thiết phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân như kịp thời động viên tinh thần, biểu dương, khen thưởng; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế, huy động các nguồn lực hỗ trợ khác của xã hội...
“Đến nay, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế đã từng bước được cải thiện và ngày càng ổn định. Khảo sát về sự hài lòng của nhân viên y tế cho thấy, các chỉ số đang dần được cải thiện, tương đương với mức trước đại dịch COVID-19. Cụ thể, tỷ lệ % nhân viên y tế hài lòng trung bình các năm 2019, 2020, 2021,2022 và tháng 1/2023 lần lượt là 85,1%, 85,5%, 87%, 84% và 88,2%”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tập trung chăm lo cho đội ngũ y bác sĩ để đảm bảo yêu cầu, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò của ngành trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã lắng nghe chia sẻ về những khó khăn vướng mắc của ngành Y tế thời gian qua như: Hệ thống văn bản pháp luật đã từng bước được hoàn thiện nhưng chưa đầy đủ, đặc biệt là trong công tác mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công; năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế; tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế cục bộ tại một số cơ sở y tế; công tác đào tạo nhân lực; tình trạng nghỉ việc, chuyển công tác của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ tại các cơ sở y tế công lập; ngân sách nhà nước cho y tế và bảo hiểm y tế; phương thức chi trả dịch vụ y tế chậm đổi mới, chậm hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản; chậm điều chỉnh tính đủ chi phí dịch vụ y tế…, cũng như những kiến nghị của ngành đối với Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đối với các kiến nghị của Bộ Y tế, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các vụ, đơn vị Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung phối hợp, tham mưu tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả. Trước mắt trong năm 2023 phối hợp tổ chức tốt hội thảo về y đức và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ngành Y tế trên tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, khẳng định sự nỗ lực, thành quả rất cơ bản của ngành Y tế, của đội ngũ cán bộ y tế các cấp.
Nhân dịp này, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục dành sự quan tâm thích đáng đối với ngành Y tế và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; dành các nguồn lực xứng đáng để xây dựng phát triển hệ thống bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe một các căn cơ, dài hạn. Nâng cao chế độ chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, thực hiện tốt công tác tôn vinh, khen thưởng để động viên tinh thần lực lượng cán bộ, y bác sỹ yên tâm công tác.