Trong chương trình công tác tại tỉnh Hải Dương, chiều 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố Quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới do Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương tổ chức.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn tỉnh Hải Dương có sự thay đổi toàn diện, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Trong giai đoạn 2011-2021, tỉnh Hải Dương đã huy động hơn 58.383 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn trên đã tạo đòn bẩy để các địa phương thực hiện hiệu quả các tiêu chí, đem lại nhiều đổi thay về điện, đường, trường, trạm; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương trao cờ thi đua cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Hiện toàn tỉnh Hải Dương có 178/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 12 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới... Ngày 16/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 358/QĐ-TTg công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Đến hết năm 2022, cả nước có 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cả nước có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đã có 73,08% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
"Phong trào xây dựng nông thôn mới, cũng như nhiều phong trào yêu nước khác gắn với lợi ích của mỗi người dân, toàn xã hội và vì quốc gia dân tộc thì sẽ được người dân nhiệt tình hưởng ứng," Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian trưng bày sản phẩm OCOP của thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Thủ tướng nhấn mạnh, nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng - một trung tâm sản xuất nông nghiệp quan trọng và của đất nước, nhiều năm qua, Hải Dương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được thành tích đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục khẳng định “nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí chiến lược trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và đặt ra mục tiêu “phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.”
Do đó, theo Thủ tướng bên cạnh nhiệm vụ phát triển công nghiệp để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Hải Dương cần phát huy kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức để xây dựng nông thôn mới, xây dựng tỉnh Hải Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Thủ tướng chỉ đạo, tỉnh Hải Dương phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mình. Trong đó, để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hải Dương tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045.
Tỉnh cần phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn-đô thị, liên xã, liên huyện; nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh; thực hiện tốt công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.