Theo đó, từ 14 giờ ngày 13 đến 14 giờ ngày 14/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã có mưa to, có nơi mưa rất to như: Cương Gián (Hà Tĩnh) 242,8mm; Hóa Thanh (Quảng Bình) 111,2mm; Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 498,4mm; Hòa Phú (Đà Nẵng) 568,4mm; Đại Hiệp (Quảng Nam) 514,8… Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Từ 14-20 giờ ngày 14/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến 40-70mm, có nơi trên 90mm. Từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam 70- 100mm, có nơi trên 150mm. Nhiều địa phương như: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Tuyên Hoa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình); Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh (Quảng Trị); Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế); Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Sơn Trà (Đà Nẵng); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước, Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành (Quảng Nam) có nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở các khu vực này là cấp 2.
Các chuyên gia cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.