Khi người dân cả nước tập trung chống dịch, cũng là lúc các đối tượng lừa đảo được dịp hoành hành. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 2 ngày đầu, khi thành phố siết chặt giãn cách theo phương châm "ai ở đâu ở yên đó" và người dân sẽ được đi chợ hộ, nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo chuyển tiền để đăng ký mua hàng đã xảy ra.
Đặc biệt, tại quận 10, khá nhiều người nhận được tin nhắn gửi các combo mua hàng và đăng ký đi chợ hộ. Trong nội dung tin nhắn, các đối tượng này đề nghị người dân chuyển khoản trước để họ dễ dàng mua hàng.
Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng xác minh thông tin, toàn bộ tin nhắn trên là giả mạo, không phải của tổ hậu cần ở địa phương. Mặt khác, địa phương này cũng không có hình thức mời chào như trên.
Để đảm bảo và tránh bị lừa đảo, người dân nên liên hệ tổ trưởng tổ dân phố, Hội phụ nữ, đoàn thể phường để đăng ký đi chợ hộ.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo công tác đi chợ hộ cho dân được tốt hơn, Sở quyết định phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ trong việc theo dõi, phụ trách các địa bàn quận, huyện.
Theo đó, cá nhân phụ trách phải đảm bảo theo dõi, nắm bắt tình hình cung ứng hàng hóa tại các hệ thống bán lẻ, nhu cầu của người dân trên địa bàn. Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ cá nhân phụ trách địa bàn để được hỗ trợ trong việc đặt mua hàng.
Thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, ngày 24/8, các hệ thống phân phối đã cung ứng 70.337 đơn hàng trong tổng số 74.033 đơn các hộ đăng ký. Số đơn còn lại sẽ được các hệ thống phân phối trong ngày 25/8. Cùng với đó, thành phố đã có 274.633 trên 590.859 hộ đăng ký túi an sinh.
Từ 23/8, tất cả hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân TP Hồ Chí Minh được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ". Tổ hậu cần, tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện, công an, quân đội được tăng cường tại địa phương sẽ tham gia đi chợ hộ với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng hộ dân.