Một cánh buồm cô đơn đang dần trắng
Trong màn sương của nước biển ngời xanh
Buồm đi tìm chi ở nơi xa vắng?
Và tại vì sao từ giã quê mình?…
(Trích bài thơ Cánh buồm - Mikhail Lermontov. Bản dịch Huyền My).
Ngày ngày, vợ đi làm neo (nail), chồng ở nhà nội trợ. Họ có người nhà đã nhập tịch nên được bảo lãnh sao đó, cứ đợi thẻ thôi, làm tiết kiệm mà sống.
Rồi sau 2 năm, 2 vợ chồng cũng mở được 1 tiệm neo. Thế là nhanh đấy, rất nhanh. Họ cảm ơn Trời Phật, ngập tràn hạnh phúc. Sau đó sẽ là gì? Ai biết được, có thể là thu nhập cao gấp mấy lần Việt Nam. Hoặc gì?
Người bạn khác của tôi, làm một cuộc di tản kéo dài nửa thập kỷ chồng Ngưu vợ Chức, cho đến khi có thể đoàn tụ gia đình ở Úc châu. Những đứa trẻ được đi học trường Tây, líu lo ngoại ngữ. Vợ chồng tiếp tục tần tảo chung lưng đấu cật làm đủ thứ việc từ mua bán đồ online đến làm farm cho nông dân Úc (thu hoạch hoa quả, cắt cỏ làm vườn...).
Bạn tôi nhớ Việt Nam quay quắt, anh không giấu diếm điều đó. Nhưng từ khi anh còn ở nhà, chúng tôi đều cũng đã hiểu nhất định anh sẽ đi.
Vì sao? Họ đều là những trí thức, có trình độ nhận thức cao, có thu nhập tốt, có công việc ổn định và được xã hội tôn trọng. Vì sao nhất định phải đi?
Có một buổi sáng nọ, tôi ngồi uống trà với một nhà quay phim già. Ông đã đi nhiều nơi, cả trong và ngoài nước, trầm tĩnh ngắm nhìn và lắng nghe.
Ông bảo, cái quan trọng của một đất nước, một xã hội phát triển và ổn định, đó là an sinh.
An sinh là gì? Là sáng đi ra đường, mình biết chắc không có thằng nào đâm xe vào mình, rồi sừng sộ quát, mày biết tao là ai không?
Là mình làm thì mình hưởng, mình đúng thì không ai bắt nạt. Mọi quyền của con người được đảm bảo công bằng trước pháp luật, như nhau.
Lúc đó tôi đã nghĩ, Ồ thế thì đơn giản, có khó gì đâu?
Nhưng sau này tôi hiểu, khó lắm. Rất khó.
Nhưng mà khó, thì đó vẫn là quê hương mình.
Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) của Việt Nam năm ngoái xếp hạng 116/189 quốc gia.
Không hề tồi. Tất nhiên, chúng ta biết mình không hài lòng với điều gì. Nhưng bảo bỏ xứ mà đi bằng mọi giá, đó vẫn là điều tranh cãi.
Sang Âu sang Mỹ, có những người bỏ cả tỷ đồng để đổi lấy kiếp người rơm, người chuột. Có những người, đặt cây bút xuống một lần, và cầm cây kéo 10 năm. Chúng ta không là cá, sao biết cá vui?
Một người bạn khác nữa của tôi, sau khi bán mọi thứ để ra nước ngoài, thì giờ đang loay hoay để mua mọi thứ chuyển về Việt Nam bán, lấy lãi. Lãi ít lắm, bây giờ hàng hóa có khó khăn như xưa đâu. Bán được là nhờ cái uy tín cá nhân, người mua yên tâm hàng xịn. Nhưng chỉ một kiện hàng thất lạc, là lỗ nặng, là ngồi bật khóc hoang mang không biết mình đang ở đâu và làm gì...
Tôi viết những dòng này, khi đang ngồi cà phê đợi con trai học võ. Hôm nay quên ví, và hóa ra quán cho trả tiền bằng app. Cuộc sống mà, thấy ổn là vì mình thấy ổn.
Lát nữa con học xong lại gọi xe công nghệ 2 bố con về.
Còn sau này nó có muốn lớn lên ở đất nước này không, tôi nghĩ chúng tôi sẽ nói về chuyện này trên một đỉnh núi mù sương ở Tây Bắc. Một cái nhìn thoáng rộng hơn, tại sao không thể là nhìn vào chính đất nước mình?