Chả là cháu cầm iPad của mẹ, đúng lúc tôi vào thì vội vàng giấu vào chăn. Tôi buồn vì cháu cầm iPad một, thì buồn về hành động giấu của cháu mười. Nói là cuộc chiến giữa sách và thiết bị thông minh có vẻ hơi cường điệu, nhưng rõ ràng đó là một vấn đề đau đầu.
Mạng xã hội không phải chốn đọc an toàn cho trẻ em. Độ tập trung ở trẻ luôn có giới hạn ngắn, và tính chất tâm sinh lý lứa tuổi thích vui chơi hoạt động khiến chúng dễ sao nhãng. Mạng xã hội là một nhà kho khổng lồ, chỉ cần một cú nhấp ngón tay, trẻ đã có thể dễ dàng và nhanh chóng di chuyển từ việc này sang việc khác, từ thế giới này đến thế giới khác. Sự cảnh báo về độ tuổi và nội dung của tri thức trên mạng, nếu có, cũng thiên về hình thức, và trẻ có thể dễ dàng “vượt rào” ở thế giới mà Google đã trở thành động từ. Cho nên xét về sự an toàn cho trẻ, bấy nay chúng ta đều hiểu rằng sách giấy dù sao cũng có độ an toàn hơn so với sách mạng.
Còn một yếu tố nữa khiến người lớn có xu hướng muốn trẻ đọc sách giấy hơn sách mạng, đó là sự tưởng tượng. Tính linh động và đa phương tiện của công nghệ cho phép sách mạng có thể mô phỏng sự vật hiện tượng một cách tối đa, cho phép người đọc có thể hình dung chính xác những nội dung mà tác giả muốn truyền tải, thậm chí là tưởng tượng luôn hộ người đọc bằng các clip. Lúc này, người đọc mạng sẽ trở nên thật nhàn hạ. Cái sự nhàn hạ này sẽ tước mất quyền suy tưởng tự do của mình. Với trẻ em, đó là điều tối kị.
So với sách điện tử, sách giấy đọc chậm hơn hẳn. ĐỌC CHẬM không phải chậm về tốc độ, cũng không phải là đọc lại, mà là đọc có quá trình suy tưởng. Cứ cho là ai đọc sách cũng suy tưởng đi, thì quá trình suy tưởng của sách giấy so với sách trên mạng thường là chậm chạp hơn, thậm chí còn có thể kéo dài hàng năm và trở đi trở lại trong kí ức người đọc. Việc tưởng tượng chỉ qua kênh ngôn ngữ mà không qua kênh nghe nhìn đã tạo cơ hội cho trẻ phát huy tối đa được tính tự do trong suy tưởng.
Nói đến phi thực tế, tôi lại mở ngoặc một chút. Thực ra thì tôi thích tiểu thuyết hơn, cũng vì tính hư cấu của thể loại này. Đa số những cuốn truyện tôi dịch đều có một phần sự thật của lịch sử, như series chuyện chó của Terhune chẳng hạn, đều viết về bầy chó của ông ấy. Nhưng cách mà các tiểu thuyết gia bổ sung vào lịch sử đó, cả về chi tiết, kĩ thuật và tình cảm, đã làm cho tiểu thuyết không đơn thuần là kể lại cuộc sống nữa mà là tái tạo lại cuộc sống. Độ nhoè mờ với hiện thực, lung lay với logic sẽ dễ kích thích tình cảm và trí tưởng của người đọc tiểu thuyết. Như Lad và Kazan chẳng hạn, vẻ đẹp siêu thực trong cuộc đời chi tiết của chúng đã mở lối cho người đọc suy tưởng đến nhiều vấn đề khác nhau ngoài phạm vi loài vật. Việc tưởng tượng ngoài nội dung cốt truyện chính là món quà mà tiểu thuyết mang lại cho bạn đọc chúng ta.
Sự phóng túng của tưởng tượng, vì thế, có tính vô biên, và ngôn ngữ chính là công cụ đắc lực nhất giúp cho ý tưởng có thể bay cao, bay xa.
Tôi tin rằng, một đứa trẻ đọc sách sẽ luôn là Một Đứa Trẻ Tự Do. Mà chúng ta thừa biết, TỰ DO SUY TƯỞNG, dù ở khía cạnh nào, dù phi thực tế đến thế nào, cũng là tiền đề của SÁNG TẠO.
Vũ Danh Tuấn (dịch giả)