Nếu không được giải quyết dứt điểm nguồn cung vật liệu đất đắp (khoảng 920.000m3) ngay trong tháng Ba, dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết có nguy cơ khó hoàn thành vào ngày 30/4/2023 theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải.
Thủ tục cấp mỏ mới mất tới 6 tháng
Trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép các nhà thầu Vĩnh Hảo-Phan Thiết tiếp tục được khai thác ngay vật liệu đất đắp trong phạm vi trữ lượng các mỏ đã được cấp phép để thi công các gói thầu đến khi hoàn thành dự án; giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, đảm bảo không gián đoạn việc khai thác vật liệu đất đắp tại các mỏ đã được cấp.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2023 (Nghị quyết số 31/NQ-CP, ngày 7/3/2023), Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết.
Cụ thể, Nghị quyết đồng ý cho phép Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu đã khai thác trước đó để tiếp tục cung cấp vật liệu cho dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có (không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường); yêu cầu nhà thầu điều chỉnh tiến độ đầu tư khai thác khoáng sản cho phù hợp với thời gian cấp lại giấy phép.
Trên cơ sở Nghị quyết số 31/NQ-CP, Bộ Giao thông Vận tải đã trực tiếp làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận và các sở, ban, ngành đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận để triển khai các thủ tục nhằm tiếp tục khai thác các mỏ đất đã cấp cho dự án.
Tuy nhiên, phía tỉnh Bình Thuận cho rằng thủ tục cấp lại giấy phép như cấp mới chiểu theo Luật Khoáng sản và phải thực hiện đủ 11 bước, thành phần hồ sơ phải có quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, trong khi hiện nay, trữ lượng khoáng sản còn lại chưa được phê duyệt.
Trước thực tế này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận nếu thực hiện đúng quy định trên, thời gian nhanh nhất cho đến khi được cấp phép vật liệu đất đắp mất khoảng 6 tháng và dự án không thể đáp ứng tiến độ hoàn thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bổ sung thêm, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết cho biết do chưa được gia hạn nên từ ngày 10/12/2022 đến nay, các nhà thầu không có vật liệu đất đắp để thi công, máy móc, thiết bị, nhân lực đã huy động phải chờ đợi, gây lãng phí.
“Với khối lượng còn lại, nếu trong tháng Ba này sớm cho phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp và nhà thầu triển khai thi công 3 ca, 4 kíp thì dự án mới kịp hoàn thành toàn vào ngày 30/4/2023,” ông Huy nhấn mạnh.
Ông Huy cũng tiết lộ, trong thời gian 3 tháng 10 ngày vừa qua, nhà thầu mong ngóng, chờ đợi nguồn vật liệu đất đắp, trong khi máy móc thi công nằm chờ nên khấu hao, tiền chi trả nhân công khiến thiệt hại lên tới 30 tỷ đồng.
“Các nhà thầu cũng đã khảo sát được mỏ đất nhưng cách dự án 38km, giá đất mua tại mỏ 80.000 đồng/m3 (trong khi giá đấu thầu dự án chỉ 45.000 đồng/m3), “cõng thêm” cước vận chuyển 2.000 đồng/km. Với đơn giá đấu thầu trước đó, nhà thầu lỗ quá nên không thể bỏ thêm tiền để mua đất. Do đó, nhà thầu mong muốn Chính phủ, các bộ ngành sớm giải quyết dứt điểm nguồn cung vật liệu đất đắp để dự án về đích đúng tiến độ đề ra,” ông Huy nói.
Cần vật liệu đất đắp ngay trong tháng Ba
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình ngày 19/3/2023 do Thứ trưởng Trần Quý Kiên ký gửi Chính phủ đề nghị ban hành Nghị quyết với cơ chế đặc thù về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp cho cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết.
Mặt khác, văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, tại Khoản 1, điều 80 Luật Khoáng sản năm 2010 về trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ có quy định: "Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về khoáng sản." Theo đó, Chính phủ có quyền cho phép tiếp tục khai thác để cung cấp cho dự án quan trọng quốc gia.
Nếu trong tháng Ba này sớm cho phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp và nhà thầu triển khai thi công 3 ca, 4 kíp thì dự án mới kịp hoàn thành toàn vào ngày 30/4/2023. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện tại Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ dự thảo Nghị quyết cho phép tiếp tục tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ cao tốc Bắc-Nam đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết.
Theo dự thảo Nghị quyết này, với các mỏ được cấp cho dự án theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc-Nam đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận và các tỉnh có dự án cao tốc đi qua căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết để cho phép các nhà thầu tiếp tục khai thác các mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo trữ lượng ghi trong giấy phép đã cấp.
Sau khi kết thúc khai thác, các nhà thầu thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, bàn giao đất cho địa phương quản lý theo quy định.
“Dự án cần được cho phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp trong tháng Ba mới có thể về đích vào 30/4. Bộ Giao thông Vận tải cam kết sẽ chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo việc khai thác đất đắp tại các mỏ chỉ được dùng để thi công cho các gói thầu của dự án,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết dài hơn 100km đi qua tỉnh Bình Thuận có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe, giai đoạn 2 đầu tư mở rộng thành 6 làn xe.Dự án được khởi công từ cuối tháng 9/2020 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, dự án phải kéo dài thời gian hoàn thành đến 30/4/2023.