Con trai bạn thích đá bóng, bạn cho nó theo 1 lớp năng khiếu, bọn nhóc có cả nam cả nữ, các loại quốc tịch. Bình thường rất vui vẻ, cho đến hôm thi đấu giao hữu. 2 đội chia nhau đá, một đội nhỉnh hơn nên liên tiếp ghi bàn. Thế là một số phụ huynh của đội thua nhảy cẫng lên. Đầu tiên, họ mắng trọng tài - trọng tài chỉ cười, kệ họ. Sau đó họ mắng... cầu thủ đội thắng. Bọn trẻ ngơ ngác chả hiểu sao? Cuối cùng, họ mắng chính con mình, Chúng mày đá đấm thế à? Sao không tấn công thế này, sao không chuyền thế kia, sao không chặn nó lại thế nọ...
Bạn kể rồi cười buồn. Bởi vì chúng tôi đều nhớ những lúc đội tuyển Việt Nam đối mặt với dư luận nước nhà. Thủ môn có thể bắt cực hay cả giải, chỉ 1 lần đứng sai vị trí là bị chửi. Cầu thủ có thể đổ máu để chiến đấu với những đội mạnh gấp đôi, nhưng chỉ một trận đá dưới sức với đối thủ ngang tầm thì bị nghi ngay bán độ.
Con tôi cũng bằng tuổi con bạn, học võ đã 3 năm. Thỉnh thoảng, bọn nhóc có đẳng cao được mặc giáp, lên đài đối luyện. Thày dạy võ to lớn, rất dữ tướng, đứng ngoài hò hét, bắt 2 bên phải đánh quyết liệt hơn, đòn thế nhanh hơn mạnh hơn hiểm hóc hơn. Nhưng chỉ cần thấy trận đấu có thiên hướng ngả về 1 bên, và bên kia có vẻ sẽ thua, thì thày sẽ ngừng lại.
Thắng thua phân định để làm gì, với bọn nhóc 7-8 tuổi?
Tôi thấy đó là sự nhân văn của người có võ đạo.