Nửa thế kỷ sau khi phát minh ra điện thoại di động, kỹ sư Martin Cooper nhận định rằng thiết bị nhỏ gọn này có tiềm năng gần như vô hạn và thậm chí một ngày nào đó có thể giúp chế ngự bệnh tật.
"Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhân loại đang trở nên ám ảnh với chúng". Vị kỹ sư 94 tuổi cho biết. "Tôi rất lo ngại khi thấy ai đó băng qua đường và nhìn vào điện thoại di động. Họ mất trí rồi".
Hiện tại, ông Cooper đeo một chiếc đồng hồ thoogn minh Apple Watch và sử dụng một chiếc iPhone cao cấp nhất. Ông thoải mái dùng điện thoại để kiểm tra email, xem ảnh, mở YouTube và điều khiển máy trợ thính của mình.
Tuy nhiên, ông Cooper thú nhận rằng đôi khi bản thân cảm thấy "ngộp" trước sự xuất hiện của hàng loạt ứng dụng trong điện thoại.
“Tôi sẽ không bao giờ hiểu được cách sử dụng điện thoại di động bằng các cháu và chắt của mình", vị kỹ sư chia sẻ.
Chiếc iPhone mà ông Cooper đang sử dụng chắc chắn là một bước tiến rất xa so với chiếc điện thoại nặng nề mà ông đã sử dụng để thực hiện cuộc gọi di động đầu tiên vào ngày 3 tháng 4 năm 1973.
Vào thời điểm đó, ông Cooper đang làm việc cho Motorola - lãnh đạo một nhóm các nhà thiết kế và kỹ sư đang tham gia vào cuộc đua nước rút để tạo ra sản phẩm công nghệ di động tiên phong và tránh bị loại bỏ khỏi thị trường đang ngày càng phát triển.
Hãng này đã đầu tư hàng triệu đô la vào dự án với hy vọng đánh bại Bell System, khi đó được coi là "gã khổng lồ" đang thống trị ngành viễn thông nước Mỹ trong hơn một thế kỷ, kể từ khi thành lập vào năm 1877.
Các kỹ sư của Bell System đã nảy ra ý tưởng về một hệ thống điện thoại di động ngay sau Thế chiến thứ hai. Đến cuối những năm 1960, ý tưởng đó đã đi xa đến mức đưa điện thoại vào ô tô, một phần là do chúng cần có lượng pin khổng lồ.
Nhưng đối với Cooper, phát minh đó không đại diện cho tính di động thực sự. Vào cuối năm 1972, ông quyết định tạo ra một thiết bị nghe gọi mà mọi người có thể sử dụng ở bất cứ đâu.
Vì vậy, với toàn bộ nguồn lực của Motorola, Cooper đã tập hợp các chuyên gia về chất bán dẫn, linh kiện bán dẫn, bộ lọc và ăng-ten, tất cả mọi người đã làm việc suốt ngày đêm trong 3 tháng.
Đến cuối tháng 3 năm 1973, họ đã mở khóa các chương trình phần mềm và cho ra mắt chiếc điện thoại DynaTAC nặng khoảng 2,5 kg và có thời lượng pin khoảng 25 phút đàm thoại.
"Nhưng đó không phải là vấn đề, vì chiếc điện thoại này quá nặng, bạn không thể cầm nó trong suốt 25 phút được", ông Cooper chia sẻ.
Cuộc điện thoại đầu tiên được thực hiện không quá lâu. Nó chỉ là bài kiểm tra xem chiếc điện thoại có thực sự hoạt động hay không. Và người nhận cuộc gọi mà Cooper nhắm đến chính là đối thủ của ông tại Bell System.
"Khi đó, tôi đang đứng trên Đại lộ số 6 ở New York và chợt nhận ra rằng mình phải gọi cho đối tác của mình tại Bell System, Tiến sĩ Joel Engel. Khi đầu dây bên kia nhấc máy, tôi nói: 'Joel, Martin Cooper đây... Tôi đang nói chuyện với anh qua một chiếc điện thoại cầm tay. Nhưng là một chiếc điện thoại di động đích thực, riêng tư, di động, cầm tay', ông Cooper hồi tưởng
Đầu dây bên kia im lặng, nhưng ông Cooper tin rằng mình nghe thấy tiếng nghiến răng của đối thủ.
Những chiếc điện thoại di động đời đầu không hề rẻ, với giá khoảng 5.000 USD, nhưng cơn sốt vẫn nổ ra dành cho thiết bị mang tính cách mạng này.
"Những người trong ngành bất động sản trước mất thời gian trong việc đưa khách đi xem nhà và ngồi nhận cuộc gọi của khách hàng khác. Bây giờ họ có thể làm cả hai việc cùng một lúc, năng suất của họ tăng gấp đôi", ông Cooper nói.
Theo vị kỹ sư, điện thoại di động giờ đã trở thành một phần trong đời sống của con người, nó có thể làm được nhiều việc hơn thế nữa.
"Trong tương lai, chúng ta có thể kỳ vọng điện thoại di động sẽ cách mạng hóa giáo dục và y tế", ông Cooper nhận định.
Vẫn còn cả một chặng đường dài kể từ khi chiếc điện thoại khổng lồ đầu tiên được tạo ra, nhưng Cooper vẫn biết thiết bị mà ông và nhóm cộng sự của mình tạo ra sẽ tiếp tục thay đổi thế giới.
"Số lượng thuê bao điện thoại di động trên thế giới ngày nay còn nhiều hơn cả dân số. Vì vậy, một phần ước mơ của chúng tôi đã thành hiện thực", ông Cooper nói.