“Vừa hồng vừa chuyên”
Lê Thanh Thản sinh năm 1949 tại Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1974, khi “chỉ còn vài tháng là tốt nghiệp trung học”, ông lên đường tòng quân theo tiếng gọi của “chiến dịch cuối cùng” của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Huế và toàn bộ miền Nam với tư cách một chiến sỹ thông tin.
Với lý lịch của một người có ông nội là “một người cộng sản thuộc lớp đầu tiên”, cha là đảng viên, chủ nhiệm hợp tác xã và gia đình có nhiều người đi bộ đội, trong đó có người là liệt sỹ, sau khi phục viên trở về, ông Thản nghiễm nhiên được xem là một người “vừa hồng vừa chuyên”.
Ông Thản được tổ chức cử đi học trường đảng Trần Phú trong một nỗ lực của tổ chức muốn chuẩn bị “nhân sự” cho địa phương. Khi đó, ông đang là cán bộ đoàn xã và tổng đội trưởng thanh niên xung phong. Bước đệm “trường đảng” đã hứa hẹn đưa ông vào một con đường hanh thông trong hệ thống.
Năm 1982, ông Thản được tổ chức đưa lên Lai Châu, tỉnh có đến 700 km đường biên giới, và sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, Nhà nước có chủ trương “nắm dân, tăng cường cán bộ”, coi đó là nhiệm vụ chiến lược.
Nhưng với ông Thản, hành trình Tây Bắc còn hàm chứa một lựa chọn khác. Ông kể, ngày ra đi, ông nói với cha: “Nếu được Đảng và chính quyền địa phương trọng dụng thì con sẽ phấn đấu trở thành cán bộ chính trị, nhưng nếu vì lý do nào đó mà không trọng dụng, con sẽ lập nghiệp bằng kinh tế”.
Ông Lê Văn Hòa, cha ông, bèn đáp: “Biết đâu lên đó, đất rộng người thưa, con lại ăn nên làm ra. Ở đâu dễ làm ăn, ở đó là quê hương”.
Cho dù hệ thống đã chuẩn bị cho ông Thản một hành trang làm quan chức, lựa chọn cuối cùng ở mảnh đất Lai Châu lại là làm kinh tế tư nhân. Ở huyện Mường Lay, trong vai trò Phó chánh văn phòng Huyện ủy, ông lập ra đội sản xuất, quy tụ những người lao động khỏe mạnh vào để đảm nhận việc xây dựng các công trình cho địa phương. Bất kỳ cơ hội nào để kiếm tiền ông đều nắm lấy, từ đúc gạch ngói, buôn bán nông lâm sản cho đến việc nhận thầu xây dựng các tuyến đường.
Trong khi nhiều chủ đầu tư coi ông như một “kẻ bán phá giá”, ông Thản có niềm tin mình là người tạo thị trường. |
Từ những hoạt động này, ông tích lũy dần vốn liếng để đầu những năm 90, thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, chính thức cởi chiếc áo “nhà nước” của mình. Với việc sắm cho mình xe u-oát “oách không kém bí thư tỉnh ủy”, đồng thời sở hữu khách sạn tư nhân đầu tiên, ông Thản nghiễm nhiên trở thành doanh nhân số 1 đất Lai Châu, đồng thời là lựa chọn cho các gói thầu xây dựng lớn không chỉ của riêng Lai Châu mà còn ở tỉnh Phongsaly của Lào tiếp giáp với Lai Châu.
Một trong những “thương vụ” đình đám nhất lúc đó là việc ông ký được hợp đồng sửa chữa 70 km đường bộ từ cửa khẩu Tây Trang đến Mường Khoa trên đất Lào, trị giá 1,7 triệu USD vào năm 1992. Theo hồi tưởng của một cán bộ tỉnh Lai Châu, khi đó gói thầu này là “một món lợi lớn mà nhiều đơn vị nhà nước thèm muốn nhưng lực bất tòng tâm, trong khi ông Thản, với quyết tâm và sự linh hoạt của một doanh nghiệp tư nhân, đã chủ động nắm lấy”.
Sự linh hoạt của ông Thản còn được những người trong cuộc ghi nhận bằng những câu chuyện khác: với một gói thầu khác trên đất Lào, theo thỏa thuận thì phía Lào sẽ phải trả bằng USD, nhưng vì họ kẹt ngoại tệ nên không thể thanh toán được. Ông bàn với phía bạn và xin phép phía Việt Nam, xin nhập khẩu một lượng hàng “viện trợ” mà phía bạn dư thừa, phía Việt Nam thì đang thiếu, thay cho việc thanh toán bằng ngoại tệ.
Theo thỏa thuận này, nhiều hàng hóa như xe Dream, tài sản lớn của nhiều gia đình Việt Nam thời điểm đó, đã về Việt Nam mà không mất đồng thuế nào.
Một ví dụ khác là vào năm 1993, ông cho xây khách sạn Điện Biên Phủ ở Điện Biên, với suy nghĩ rằng, rồi đây Điện Biên sẽ vượt qua Lai Châu vì có nhiều lợi thế hơn, thậm chí sẽ có ngày được tách thành tỉnh riêng. Khách sạn hoàn thành năm 1994, kịp đón các đoàn khách về dự kỷ niệm 40 giải phóng Điện Biên, cũng là dịp để ông Thản được tiếp kiến nhiều quan khách Trung ương, mở ra một “con đường về Hà Nội” sau này.
Khách sạn Điện Biên Phủ cũng là cơ sở mà vào năm 1996, tỉnh Lai Châu đã đề nghị ông nhượng lại, “đối ứng” bằng một lô đất giá trị khác để ông xây dựng nên khách sạn Mường Thanh Điện Biên 4 sao ngày nay, và là khởi nguồn cho hệ thống khách sạn Mường Thanh với gần 40 khách sạn đang hoạt động hiện giờ.
Rẻ, nhanh và linh hoạt
Những trải nghiệm trong nghề xây dựng và thị trường đất đai ở Lai Châu, Điện Biên đưa đến cho ông Thản những quyết định táo bạo ngay trong thập kỷ 90, khi ông xác định rằng sẽ có ngày trở về Thủ đô để kinh doanh bất động sản.
Khu vực bán đảo Linh Đàm, Hà Nội những năm đầu thập kỷ 90 chỉ là những hồ đầm ngập nước, và cho dù không quá xa trung tâm Hà Nội, đây có thể coi là khu vực kém phát triển nhất trong bán kính 10 km. Nhưng với ông Thản, đó là cơ hội. Nhìn thấy quá trình đô thị hóa nhanh chóng, ông dồn tiền mua đất để dành với giá rẻ.
Giờ đây, trên những lô đất từng được mua chỉ với giá vài tỷ đồng, ông Thản cho xây những tòa chung cư 30-40 tầng, mỗi tòa vài trăm căn hộ, bán ra với giá vài trăm tỷ. Hồ sơ lưu tại xã Đại Kim, Thanh Trì cho thấy ông từng mua một lô đất 8.000 m2 chỉ với 16 tỷ đồng, nơi giờ đây đã là một quần thể khách sạn, biệt thự sang trọng.
Sự nhạy bén còn thể hiện ở việc, thấy trước xu thế mở rộng của Hà Nội, ông Thản đã xin đầu tư khu đô thị Xa La tại Hà Đông. Trên diện tích 32 ha, giờ đây khu đô thị bao gồm 10 tòa chung cư và hàng trăm căn liền kề đã hoàn thiện. Thời điểm "sốt", giá đất tại dự án này từng lên tới 50-60 triệu đồng/m2. Trong khi, tài liệu của công ty cho hay, tổng số tiền đền bù vào năm 2005 chỉ là 64 tỷ đồng.
Các đợt mở bán chung cư tại Xa La, Đại Thanh, Kim Văn Kim Lũ, Linh Đàm của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu vẫn được tiến hành đều đặn trong vài năm gần đây. Ông Thản cho biết, tuy đã xây dựng khá nhiều dự án chung cư, nhưng hoạt động đầu tư này sẽ còn được tiếp tục, bởi vì rằng “đất thì tôi không thiếu”. Quỹ đất ở khu vực Tây Nam Hà Nội mà ông đã chuẩn bị vẫn còn đủ để tiến hành nhiều dự án khác.
Tuy nhiên, nếu chỉ nói đến việc đầu tư, chuẩn bị quỹ đất thì con đường của ông Thản cũng không có gì khác biệt so với các nhà đầu tư khác. Cái khác biệt chính, là cách thức ông triển khai xây dựng các dự án và bán hàng, một cách làm đưa tới nhận xét của giới đầu tư bất động sản rằng ông đã tự tạo ra được thị trường riêng.
Với lợi thế về giá vốn đất rẻ, xây dựng nhanh và phương thức bán hàng linh hoạt, ông Thản tạo ra được một sân chơi riêng, nơi thu hút hàng trăm người tham gia mua bán mỗi kỳ mở bán. Sản phẩm từ chủ đầu tư đến với người mua cuối cùng có một khoảng chênh lệch giá đáng kể, và đó chính là lý do tạo ra sự sôi động. Nếu như lúc thị trường bùng nổ, việc “mua suất, bán chênh” là điều bình thường thì đối với các dự án của ông Thản, câu chuyện đó còn kéo dài cả trong thời điểm thị trường trầm lắng.
Mỗi kỳ mở bán, tòa nhà 5 tầng tại Linh Đàm, nơi đặt “phòng kinh doanh” của công ty, cảnh chen chúc “mua suất, bán chênh” lại diễn ra, có những thời điểm mà người ngoài cuộc không lý giải được. Không có sàn giao dịch, không cả chỗ ngồi cho khách hàng, nhưng “hàng” thì vẫn bán chạy.
Những căn hộ giá rẻ, với giá trung bình dưới 15 triệu đồng/m2, được ông Thản “xây nhanh, bán nhanh” với một tốc độ chóng mặt. Trong khi nhiều chủ đầu tư coi ông như một “kẻ bán phá giá”, ông Thản có niềm tin mình là người tạo thị trường: “Vì chúng tôi làm nhanh gọn, không phải vay mượn, không tồn đọng, nên chúng tôi cạnh tranh hơn”.
Bên cạnh mảng bất động sản thương mại vẫn chạy đều, ông Thản cũng đang dồn tâm huyết cho một kế hoạch khác: xây dựng chuỗi khách sạn mang tên Mường Thanh trên toàn quốc. Với việc khai trương khách sạn Mường Thanh Bắc Giang đầu tháng 10, và khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa cuối tháng 10 này, hệ thống Mường Thanh đã trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất Việt Nam với 37 khách sạn.
Hỏi rằng hệ thống sẽ còn tiếp tục mở rộng đến đâu, ông Thản chỉ cười: “Thì cứ làm tiếp thôi”.
Ông Thản có ba người con. Cô con gái lớn giờ đây đang được ông giao quản lý hệ thống khách sạn, trong khi hai người con còn lại cũng được ông định hướng theo nghiệp kinh doanh. “Tôi luôn dặn các con rằng, bố chỉ có thể tạo ra nền tảng, còn sự nghiệp thì tự các con sẽ phải xây dựng lấy, bằng năng lực của mình. Cuộc sống thì rất nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy cạnh tranh, và vì thế phải tự mình vươn lên thôi”, ông nói.
Theo VnEconomy