Người được nhắc đến là anh Nguyễn Văn Phượng (49 tuổi, hiện trú tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Bán trà dạo... liên tỉnh
Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở vùng quê tỉnh Thái Bình, thuở nhỏ, anh cố gắng học tập để đậu giấc mơ làm chiến sĩ công an nhưng anh đã không may mắn khi rớt kỳ thi đại học. Không còn cách nào khác, anh Phượng quyết định khăn gói xa quê hương vào cố đô Huế lập nghiệp. “Miền Bắc rất nổi tiếng với trà Thái Nguyên. Tôi đã mang một balo lớn trà Thái vào Huế luôn. Rồi tôi thuê một phòng trọ nhỏ, đạp xe đạp khắp thành phố để bán trà dạo kiếm sống. Khi ấy khổ cực biết bao nhiêu...”, anh Phượng nhớ lại.
Đến khoảng sau năm 2000, Huế lúc này mở cửa đón càng nhiều khách du lịch về tham quan, mua sắm. Lúc ngồi bán trà lạng ở chợ Đông Ba, anh Phượng thấy khách mua nhiều quà như tôm chua, mè xửng, nón lá... Anh nghĩ các sản phẩm trên chưa mang dáng dấp cụ thể nào của xứ sở kinh kỳ, chưa liên quan đến đền đài lăng tẩm... ở xứ thần kinh này. “Tự nhiên tôi lóe lên ý tưởng phải tạo ra một loại trà độc đáo, mang dấu ấn của giới quý tộc, vua chúa, chốn cung đình. Vả lại khi du khách tham quan Huế xong thì có dịp thưởng thức vị trà nào đó mang phong vị văn hóa Huế. Cũng bởi tôi buôn bán trà nhiều năm, khá am hiểu về trà nên tôi bắt tay vào thực hiện...”, danh trà xứ Huế chia sẻ.
Hai năm pha chế trà cung đình
Theo anh Phượng, lúc bấy giờ ngoài thị trường có rất nhiều loại trà. Trà uống tuy ngon nhưng hay khiến người ta mất ngủ, đôi khi lại say trà. Anh nghĩ đến việc phải làm sao tạo ra một loại trà tốt cho sức khỏe, uống không mất ngủ lại không sợ say. “Uống trà phải như uống một chén thuốc bổ vậy. Đó là sản phẩm mà tôi muốn hướng đến cho khách hàng...”, anh Phượng cho hay.
Khoảng thời gian đầu đối với anh Phượng cực kì khó khăn. Anh phải nghiên cứu sách vở, tìm nguyên liệu khắp cả nước để về chế biến thử. Căn phòng nhỏ trở thành “xưởng” để anh loay hoay chế trà. Không có kiến thức về y học cổ truyền, các vị thảo dược, anh Phượng phải mất hàng chục tháng trời để ngâm cứu sách; phối thử hàng trăm loài thảo dược khác nhau để tìm ra công thức riêng cho sản phẩm của mình. Có những khi anh Phượng thử trà đến cứng cả lưỡi, căng cả bụng nhưng vẫn không tìm được cách phối chế nguyên liệu ưng ý. Có khó khăn mới “ló” ra được những kinh nghiệm quý báu. Khi trà chỉ mới sơ chế, anh đã mạnh dạn mang nó tiếp cận với khách hàng. Theo đó cứ sau một đêm pha chế, anh Phượng mang ra chợ để mời mọi người dùng thử dù đó bất kì là ai; có thể là tiểu thương, người dân, du khách... Đa số là những ý kiến chê, nào là ngọt quá, chua chát quá, chưa được thơm lắm, còn đắng... Tất cả đều được anh Phượng lắng nghe, ghi lại để dần hoàn thiện sản phẩm.
Hai năm, đó là khoảng thời gian mày mò không phải là quá dài nhưng theo anh là rất quý giá. Đến lúc này, những tách trà của anh dần chiếm được cảm tình của người thưởng thức. Sản phẩm được anh lấy tên là “Trà cung đình Huế - Đức Phượng”, tinh chế từ 16 vị thảo dược khắp ba miền Nam, Trung, Bắc như Atiso, cỏ ngọt, đại táo, hoài sơn, đẳng sâm, hồng táo, hồi hoa, cam thảo bắc, hoa cúc, tim sen, hoa hòe, hoa lài, thảo quyết minh, khổ qua, kỷ tử, vối nụ. Sau khi bào chế qua các công đoạn bí truyền, trà sẽ được chọn giờ để “sao vàng hạ thổ” theo quy luật âm- dương. Đặc biệt, sản phẩm không sử dụng bất kỳ loại hóa chất phụ gia nào. Các thành phần của trà, được anh Phượng công khai trên bao bì.
Muốn quảng bá cho sản phẩm, ban đầu anh Phượng mang từng bì trà đến ký gửi ở tất cả các cửa hàng trong thành phố. Chính những người bán hàng uống thử thấy ngon, lại đứng ra quảng cáo khách mua. Bằng phương thức quảng cáo truyền miệng đó, sản phẩm trà của anh đã đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất và cũng hiệu quả nhất. “Để hiệu quả hơn, tôi tranh thủ tận dụng đội ngũ xe ôm, xe thồ, xe xích lô, các hãng xe chuyên chở khách du lịch đến Huế “tuyên truyền” về đặc sản trà cung đình của mình để ai đến Huế cũng nên mua về làm quà. Chính nhờ thêm điều đó mà đã góp phần đưa danh tiếng của trà cung đình của tôi đi xa hơn...”, anh Phượng bộc bạch.
“Theo tôi, muốn thành công thì phải lấy chất lượng làm đầu, nếu không làm tốt điều đó thì sẽ mất thương hiệu. Hiện các thương hiệu trà cũng mọc lên như nấm nhưng tôi không sợ bị canh tranh. Bởi đó là cơ hội để tôi khẳng định thương hiệu của mình...”, anh Phượng thổ lộ.