Châu Âu đối mặt vòng xoáy phá sản doanh nghiệp và cuộc chiến du lịch hậu COVID-19

Nguy cơ phá sản doanh nghiệp, khủng hoảng dân số và rủi ro xảy ra một cuộc chiến du lịch là những thách thức lớn nhất mà các nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt
Châu Âu đối mặt vòng xoáy phá sản doanh nghiệp và cuộc chiến du lịch hậu COVID-19

Các trang nhật báo Pháp vừa có một số bài viết phân tích về một loạt thách thức đối với khu vực châu Âu thời kỳ hậu COVID-19. Trong đó, nguy cơ phá sản doanh nghiệp, khủng hoảng dân số và rủi ro xảy ra một cuộc chiến du lịch là những khía cạnh được chú ý đến nhiều nhất.

* Vòng xoáy khủng hoảng doanh nghiệp

Dù chính phủ các nước châu Âu đã chi hàng trăm tỷ euro để vực dậy nền kinh tế, nhất là hỗ trợ những doanh nghiệp bị tê liệt do các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19, theo kết quả nghiên cứu của cơ quan bảo hiểm-tín dụng Coface được công bố ngày 16/6, số doanh nghiệp phá sản sẽ tăng mạnh từ nay đến hết năm 2021, với tỷ lệ 21% tại Pháp, 22% ở Tây Ban Nha, 37% đối với Anh và Italy, 36% tại Hà Lan. Quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất là Đức, với tỷ lệ phá sản tăng 12%.

Theo Coface, tại Pháp, nếu không có thêm các biện pháp hỗ trợ bổ sung của chính quyền, đến cuối năm 2021 sẽ có tới 61.354 doanh nghiệp phá sản, nhất là các doanh nghiệp mới được thành lập, kéo theo 200.000 việc làm trực tiếp bị ảnh hưởng.

Các lĩnh vực có nhiều nguy cơ phá sản nhất đương nhiên là các ngành nghề bị tác hại nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 như du lịch, nhà hàng, giao thông vận chuyển, thương mại, may mặc và xây dựng.

Đối với các nước châu Âu khác, Coface nhấn mạnh mức độ phá sản sẽ liên quan đến mức tăng giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo các dự báo về tăng trưởng, Hà Lan và Đức sẽ là những nước ít bị suy thoái nhất khi GDP chỉ giảm 2% so với năm 2019.

GDP của Anh và Italy sẽ giảm 5-6% so với năm ngoái, nhiều hơn mức sụt giảm tại Pháp và Tây Ban Nha. Riêng tại Hà Lan, với điểm đặc biệt là các doanh nghiệp dễ bị phá sản hơn ở các nước khác, song khi kinh tế được hồi phục thì số công ty mới thành lập cũng cao hơn.

* Sau cuộc chiến COVID-19 là cuộc chiến du lịch

Trong khi đó, báo La Croix lại hướng sự chú ý đến nguy cơ xảy ra một cuộc chiến du lịch Hè giữa các nước châu Âu. Nước nào cũng vừa muốn giữ khách nội địa và thu hút khách ngoại quốc. Trong cuộc chiến mới này, dường như các nước Nam Âu như Italy, Tây Ban Nha và cả nước Pháp có nhiều ưu thế vì khí hậu dễ chịu và có nhiều khu nghỉ mát ven biển. Hơn 50% người dân châu Âu mùa Hè thường đi nghỉ ở vùng biển.

Năm nay, do tác hại của dịch bệnh, Chính phủ Pháp đã nhiều lần bày tỏ mong muốn người dân Pháp sẽ đi nghỉ Hè trong nước. Theo một cuộc khảo sát mới đây, 87% dân Pháp chọn phương án du lịch nội địa mùa Hè này, trong khi chỉ có 13% muốn ra nước ngoài.

Các địa phương của Pháp cũng tìm đủ cách để thu hút du khách với nhiều sáng kiến và có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến La Croix đề cập đến khả năng xảy ra “cuộc chiến giữa các vùng lãnh thổ”.

Trong khi đó, bên cạnh các thách thức kinh tế vi mô, một vấn đề dân sinh khác cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với chăm sóc y tế và quỹ hưu trí của châu Âu, đó là khủng hoảng dân số. Xu hướng dân số giảm và già ở châu Âu, nhất là ở các quốc gia Đông Âu và Nam Âu như Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, đã kéo theo nhiều hậu quả về kinh tế, xã hội và cả chính trị.

Trong bài viết “Liên minh châu Âu mở mắt về khủng hoảng dân số”, tờ Le Figaro lấy làm tiếc là giới lãnh đạo các nước thành viên Liên Âu đã coi nhẹ những hậu quả nói trên. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Liên minh châu Âu ghi nhận tỷ lệ tử vong cao hơn tỷ lệ sinh.

Theo báo cáo “Tác động của chuyển đổi dân số” do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Lyen phụ trách, nếu kéo dài tình trạng này, tính từ năm 2030 đến năm 2070 dân số châu Âu sẽ giảm 5%. 30% dân số sẽ trên 65 tuổi, số người trên 80 tuổi chiếm 13%. Còn số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm 18%. Điều này sẽ tạo gánh nặng về chăm sóc y tế và quỹ hưu trí.

Theo Bnews
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.