Đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh như: Nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không... cơ quan thuế tiến hành chưa thanh tra, kiểm tra.
Trước khi COVID-19 hoành hành, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế phấn đấu thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp đạt tối thiểu tỷ lệ 19,5% số doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 92.457 doanh nghiệp, trong đó thanh tra 7.755 doanh nghiệp, kiểm tra là 84.702 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 5/2020, toàn ngành thuế mới thực hiện được 18.638 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt hơn 20% kế hoạch năm 2020, bằng 82,06% so với cùng kỳ năm 2019; kiểm tra được 202.767 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là hơn 23.365 tỷ đồng.
Ông Vũ Mạnh Cường chia sẻ thêm: Nếu không tính kết quả thu đột biến qua thanh tra, kiểm tra của 2 cuộc đã được ngành thuế theo dõi, phân tích rủi ro một thời gian dài và kết quả thanh tra chuyển vào năm 2020, thì số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra chỉ là hơn 12,7 nghìn tỷ đồng, bằng 93,87% so với cùng kỳ năm 2019.
“Đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế, cũng như của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến một số ngành như: hàng không, du lịch, ăn uống... Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chúng tôi đã có nhiều văn bản chỉ đạo toàn ngành chỉ tập trung thanh tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, giảm thời gian thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp”, ông Vũ Mạnh Cường nói.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp năm 2020 đã được phê duyệt, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cục trưởng các cục thuế quán triệt đến bộ phận thanh tra, kiểm tra tiến hành phân loại rủi ro, phân tích chuyên sâu, áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế và thông tin thu thập khác...hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp tại doanh nghiệp.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết: Đối với các doanh nghiệp có rủi ro về thuế, thì ban hành quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế bằng phương thức điện tử. Doanh nghiệp thực hiện việc giải trình, gửi file sổ sách qua thư điện tử cung cấp cho các công chức kiểm tra.
Nếu doanh nghiệp không chấp hành, hoặc không giải trình được, thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có rủi ro thấp thì xem xét, đề nghị điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo quy định. Đối với các doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các doanh nghiệp có rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, cơ quan thuế liên hệ với doanh nghiệp để sắp xếp thời gian thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp.
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra, đối với các doanh nghiệp có kiến nghị lùi thời gian thanh tra, kiểm tra thì phân tích hồ sơ trên cơ sở dữ liệu ngành thuế quản lý và ban hành quyết định kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, doanh nghiệp thực hiện việc giải trình, gửi file sổ sách tài liệu qua thư điện tử. Trường hợp doanh nghiệp không giải trình được thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp.