Chí Tài muốn làm phim về cuộc đời mình

(Ngày Nay) - Tối 22/12, đông đảo khán giả đã đến sân khấu Trống Đồng xem live show Những cuộc tình nghiệt ngã của của danh hài hải ngoại Chí Tài với sự hiện diện của bạn diễn thân thiết Hoài Linh.
Chí Tài và Hoài Linh trong buổi giới thiệu show Những chuyện tình nghiệt ngã.
Chí Tài và Hoài Linh trong buổi giới thiệu show Những chuyện tình nghiệt ngã.

Live show Chí Tài còn diễn ra một đêm vào ngày 24/12. Chí Tài đã chia sẻ với quanh chuyện đời, chuyện nghề.

Sống xa cha mẹ từ bé

- Khán giả biết rất ít về cuộc đời của danh hài Chí Tài, anh có thể chia sẻ với khán giả về cuộc sống đời thường của mình ra sao?

- Đời tôi có nhiều chuyện khổ, nỗi buồn lắm, làm phim được luôn đó. Tôi cũng muốn làm phim về cuộc đời mình. 2-3 tuổi tôi đã sống xa cha. Ba tôi ra nước ngoài tu nghiệp rồi ở lại luôn. Lúc tôi hơn 10 tuổi má tôi cũng sang nước ngoài theo ba tôi nhưng không mang tôi theo được vì kinh tế khó khăn. Ba tôi lúc trong nước làm công chức bưu điện, nhà tôi ở ngay dưới hầm Bưu điện Sài Gòn.

Thời gian đầu ba tôi ở nước ngoài rất gian khó, làm công nhân để có tiền đi học lên kỹ sư, gửi tiền nuôi đến tám đứa con ở trong nước. Tuổi thơ tôi ở chung với chị gái đông con, không thiếu đói nhưng thiếu thốn mọi thứ so với chúng bạn, không một bộ áo quần đẹp, không một lần đi xem xi-nê... Tôi luôn mang mặc cảm thua thiệt, thiếu, nghèo. Lớn lên tôi từng yêu nhưng bị phụ tình do mình nghèo. Sau năm 1975, khi tôi đã lớn, đi làm thì cuộc sống càng khổ hơn, thiếu thốn. Đến bữa tôi chỉ muốn ăn cho nhanh, cho xong vì nuốt không nổi. Năm 1982, tôi qua Mỹ theo diện bảo lãnh, đi đàn cho các ban nhạc, gặp Hoài Linh rồi đi diễn hài cho đến nay.

- Có phải Hoài Linh là người đưa anh vào nghiệp diễn hài?

- Tôi diễn hài là nhờ Hoài Linh. Năm 1994-1995 tôi đàn cho Hoài Linh hát, diễn bên Mỹ rồi, lúc đó Linh nổi tiếng lắm. Năm 1996, ổng cần bạn diễn nên kêu tôi diễn chung. Diễn được khán giả thích rồi tôi diễn hài luôn đến giờ. Còn bây giờ, tôi về Việt Nam diễn hài được như giờ cũng là nhờ Hoài Linh.

Ngoài đời, Hoài Linh là đứa em. Trong nghề, Linh là thầy tôi. Hai anh em không phải lúc nào cũng kề vai sát cánh nhưng biết nhau, hiểu nhau.

Hoài Linh thương vợ tôi lắm, vợ tôi cũng thương ổng. Thương kiểu chị em. Có gì về Hoài Linh là tôi biết sau, vợ tôi biết trước. Ngược lại, vợ tôi có gì có khi Hoài Linh còn biết trước tôi. Tại hai người thường nói chuyện chat với nhau. Vợ tôi rất tin tưởng Hoài Linh, từ lúc tôi về Việt Nam cổ nói một câu chơi chơi với Hoài Linh là “chị giao ảnh cho em, ảnh mà có gì, hư sao đó là chị không cần biết, chị cứ nắm em ra”. Vậy nên đối với tôi Hoài Linh là người có trách nhiệm lắm, ổng sợ lắm, nhắc hoài, “anh ơi làm gì làm nghe, chết em!”.

Gửi ít tiền thì vợ sẽ không cho về Việt Nam nữa

- Nhiều đồng nghiệp hay ghẹo anh là “mê gái”, biểu hiện của anh cũng như thế nhưng anh vẫn được tiếng là chung tình với người vợ ở Mỹ thường xuyên sống xa nhau gần 20 năm nay. Vì sao vợ anh cho anh về nước?

- Tôi rất bận, không diễn thì học hỏi sách báo, xem tivi vì tôi với Hoài Linh không được học trường lớp, phải học hỏi từ những cô chú đồng nghiệp lớn, từ bạn diễn, tivi, phim ảnh, sách báo…

Bà xã tôi cũng quy định mỗi tháng tôi phải gửi về Mỹ một số tiền nhất định, trên mức đó thì tốt, nếu dưới mức đó thì bả lấy lại visa, passport, không cho về Việt Nam nữa. Bà xã rất thương tôi nên mới cho về nước. Mình là người mê nghệ thuật, ở đâu có đất dụng võ thì mình về. Tôi về nước là vì mê diễn kịch dài, có nội dung, có chiều sâu. Ở Mỹ sân khấu đâu mà diễn. Tấu hài chỉ có 15 phút. Rồi từ kịch dài tôi chuyển qua phim nhựa, chuyển qua phim truyền hình, game show, giám khảo.

- Vì sao vợ anh không về nước cùng anh? Kết hôn 30 năm, làm sao anh chị vẫn giữ được hạnh phúc khi không có con? Không có con đó có phải là lựa chọn của anh chị?

- Tôi quen bà xã tôi năm 1984, kết hôn năm 1986 lúc vợ làm ca sĩ ở Mỹ, còn tôi là nhạc công của ban nhạc. Nhưng lâu rồi và hiện nay vợ tôi đã đi làm hãng ở Mỹ với vị trí trợ lý cho sếp. Vợ tôi không muốn về Việt Nam vì không muốn bỏ chỗ làm. Chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên qua điện thoại, mail, chat. Lâu lâu tôi bay về thì hai vợ chồng tắt điện thoại, cùng nhau đi chơi, đi ăn uống, nghỉ ngơi hoàn toàn. Bà xã rất thương và quan tâm đến tôi, lo chu đáo từ cái áo tôi mặc đi diễn đến biết công việc như thế nào.

Hồi trẻ chúng tôi không muốn có con vì mải lo công việc và vì tôi sợ cảnh trẻ con khóc la như hồi còn ở Việt Nam chung với chị. Giờ thì lớn tuổi rồi có con thì lo cực và việc sinh con cũng khó nên thôi. Tôi thích trẻ con chứ nhưng không có con là lựa chọn của vợ chồng tôi.

Dư luận đang nói nhiều về hài xàm, hài nhảm, nghệ sĩ Chí Tài tâm sự: “Thật ra tôi không dám ý kiến về chuyện này vì không coi hết các chương trình hài. Nhưng tôi nghĩ rằng cái khán giả nói hài nhảm, hài xàm là do kịch bản dở quá và do vấn đề luyện tập sơ sài. Lỗi này do cả nhà sản xuất và nghệ sĩ thấy không hay mà vẫn làm, không chịu dành thời gian tập luyện. Giải quyết chuyện này chỉ duy nhất một cách là nghệ sĩ chấp nhận hy sinh, hạn chế nhận show diễn lại. Tôi làm ít show là như vậy.

. Xin cám ơn anh.

Theo Pháp Luật TP.HCM

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.