Chia tay Nguyễn Tiến Minh, tôn vinh một đỉnh cao bền bỉ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 28/07/2021, Nguyễn Tiến Minh đánh trận thứ hai ở Tokyo 2020. Tôi chắc rằng rất nhiều khán giả Việt Nam đã ngồi trước màn ảnh truyền hình để dõi theo anh, để đồng hành với anh trong trận đấu cuối cùng ở giải thể thao đỉnh cao số một thế giới.
Chia tay Nguyễn Tiến Minh, tôn vinh một đỉnh cao bền bỉ

Năm nay, Minh đã 38 tuổi, là một hiện tượng hy hữu không chỉ của thể thao Việt Nam, mà còn của cả cầu lông thế giới. Liên đoàn Cầu lông Thế giới đã viết trên trang chủ của mình rằng: anh là "Một sự bền bỉ tuyệt vời".

Đối thủ của Minh là Dwicahyo, kém anh những 15 tuổi. Thấy rõ là Minh thua về sức. Anh không còn đủ mạnh để kết thúc bằng những quả đập cầu từ trên cao. Anh không còn đủ nhanh để cơ động kịp thời khắp mặt sân. Cầu từ tay anh không còn tốc độ xé gió và độ xoáy cần thiết. Những quả bỏ nhỏ và gài cầu của anh ít khi hiểm hóc khiến đối thủ chôn chân. Anh ít có những cú ăn điểm gây nên sự ồn ào tán thưởng. Nhưng Minh vẫn hiện diện, đem lại sự tôn trọng và khâm phục.

Hiệp đầu, Minh để thua chóng vánh 14 - 21. Vào hiệp hai, những tưởng anh sẽ thua đậm hơn do thể lực suy giảm. Nhưng trái lại, trong hiệp đấu Olympic cuối cùng của mình, Minh đã chơi thật quả cảm. Anh kiên trì bám đuổi, cương quyết không buông bỏ bất cứ đường cầu nào, có lúc ăn liền một mạch 3 điểm, và cân bằng đến tỷ số 18 - 18. Và sau đó, sức không còn, Minh thúc thủ 18 - 21. Thật xúc động nhìn gương mặt Nguyễn Tiến Minh sau đó, và bàn tay vỗ vào mặt vợt khi rời sân. Cảm ơn nhé, và xin chào!

Xin chào 20 năm theo đuổi, phụng sự và đại diện môn cầu lông Việt Nam. Xin chào 4 lần liên tiếp tham dự Olympic, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Xin chào 11 lần vô địch quốc gia. Xin chào 2 Huy chương đồng cá nhân và đồng đội SEA Games. Xin chào VĐV đã 9 lần thắng giải Việt Nam mở rộng hay các giải quốc tế khác.

Xin chào Huy chương đồng giải châu Á. Xin chào Huy chương đồng giải vô địch thế giới. Xin chào VĐV đã từng nhiều lần đứng trong Top 10 thế giới, trong đó cao nhất là vị trí thứ 4 (ngày 02 tháng 12 năm 2010). Xin chào một chiến tướng đã từng đối đầu với những tay vợt hàng đầu thế giới như Lâm Đan, Bào Xuân Lai, Jorgensen, Lý Tông Vỹ...

Nhà nước đã trao cho anh HC Lao động hạng ba. UBND TP.HCM đã 4 lần tặng thưởng và trao giấy chứng nhận để ghi nhớ những đóng góp của anh. Các nhà báo cũng nhiều lần bầu chọn anh là VĐV tiêu biểu của quốc gia. Còn hôm nay khán giả tặng riêng anh những chiếc vỗ tay nồng nhiệt trước màn ảnh truyền hình. Những chiếc vỗ tay mà anh không thể trông thấy hay nghe thấy, nhưng hy vọng là anh cảm nhận được những tấm lòng của chúng tôi từ rất xa xôi.

Nguyễn Tiến Minh là một hiện tượng độc đáo của thể thao Việt Nam. Trước hết, anh là một VĐV thành công, rất thành công. Cứ tưởng tượng mà xem: Top 10 thế giới. Đấy là một danh hiệu rất khó có thể vươn tới, thậm chí có lúc lên đến thứ 4.

Chúng ta ta cứ hình dung đến những môn có bảng xếp hạng kiểu này như quần vợt, sẽ thấy ngay danh hiệp Top 10 là khó khăn và danh giá biết chừng nào. Phải chăng Tiến Minh là VĐV duy nhất của Việt Nam có được đẳng cấp và niềm vinh dự ấy? Anh đứng ở đỉnh cao này cả chục năm, và điều ấy giúp cho anh được có mặt ở 4 kỳ Thế vận hội liên tiếp, lại một kỷ lục mà người ta khó mơ tưởng ngay cả trên toàn thế giới.

Bảng thành tích của Tiến Minh cũng thật là dài, nhưng có vẻ anh hơi "thiệt thòi" so với các VĐV khác khi xét tổng số huy chương giành được ở SEA Games. Đó là do đặc trưng của môn cầu lông quyết định. Ở SEA Games, anh chưa bao giờ có HC Vàng và HC Bạc. Đấy là do khu vực Đông Nam Á có quá nhiều VĐV hàng đầu thế giới về cầu lông, nên Tiến Minh chỉ là "một trong muôn một" ở lĩnh vực này. Anh không vượt qua được các VĐV của Malaysia, Indonesia, sau này Thái Lan cũng vươn lên rất mạnh.

Ở Việt Nam chúng ta, thước đo vinh quang thường lại là thành công SEA Games, nên đôi khi ta không nhớ đến Top 10 thế giới về cầu lông. Tiến Minh là một tài năng thể thao hiếm có, cũng chẳng khác Ánh Viên là mấy. Nhưng xét về thành tích SEA Games thì thành tích Ánh Viên hơn hẳn Tiến Minh, trong khi thành tích châu Á hay thế giới thì Ánh Viên không thể so với Tiến Minh được. Đấy cũng chỉ là một so sánh để nhận rõ hơn công trạng của Tiến Minh, chứ hoàn toàn không muốn so sánh VĐV này với VĐV khác; là do môn thi đấu có đặc trưng rất khác nhau, chứ đóng góp của mọi người cho đất nước đều rất đáng quý.

Trong một chừng mực nào đó, Tiến Minh là một ngôi sao cô độc. Anh vào thể thao chuyên nghiệp từ con đường gia đình chứ không phải trưởng thành qua các lớp năng khiếu tập trung. Hàng chục năm, anh không có đối thủ ngang tầm trong nước nên cũng chẳng dễ dàng gì trong môi trường và điều kiện luyện tập. Về mặt quảng bá đại chúng, môn cầu lông ở ta vẫn chưa có mức phổ cập và sự hâm mộ thật rộng rãi. Khi anh nghỉ thi đấu, cái trống vắng anh để lại cũng thật mênh mông. Cộng cả lại, sức hỗ trợ của truyền thông cho Tiến Minh cũng chưa thật đúng với những gì mà tài năng và công hiến của anh xứng đáng. Bức chân dung của anh lẽ ra còn phải đậm màu hơn nữa, những câu chuyện và hình ảnh của anh lẽ ra còn có thể đặc sắc hơn nữa.

Nhưng có lẽ, với chính Tiến Minh, thì những điều đó cũng không thật quan trọng. Với cầu lông, anh đã có niềm vui thuần khiết và trách nhiệm cao cả: "Hồi đó cầu lông vô tư lắm, chỉ thích chơi cầu thôi. Giờ cuộc sống với cầu lông không chỉ đam mê mà còn tránh nhiệm nữa". Anh cũng ý thức được những giới hạn của khả năng: "Trong thể thao, không có sự sợ hãi, nhưng trong sự nghiệp, có những đối thủ khi bước vào trận đấu, tôi nghĩ tôi không thể thắng".

Không thể thắng nhưng vẫn chơi hết sức, hết mình. Thể thao và cuộc đời đã đem lại cho anh niềm hạnh phúc không gì có thể so sánh được: "Tôi phát điên vì hạnh phúc”. Lời chia sẻ của Tiến Minh sau trận đấu cuối cùng ở Tokyo khiến chúng ta càng mong nhớ anh hơn: "Với Minh, cầu lông là một phần của cuộc sống, còn cầm được vợt ra sân ngày nào là còn hạnh phúc ngày đó".

Chúc Minh Sức khỏe và Hạnh phúc!

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?