Những người phản đối nữ quyền liên tục chỉ trích những đặc quyền dành cho phụ nữ, đàm tiếu về những vận động viên nữ đoạt huy chương vàng Olympic, cũng như kêu gọi giải thể Bộ Bình đẳng giới và Gia đình.
Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, và là một cường quốc hàng đầu về công nghệ, nhưng Hàn Quốc vẫn là một xã hội “trọng nam khinh nữ”, vai trò của người phụ nữ trong xã hội vẫn chưa đứng ngang hàng với đàn ông.
Trong những năm gần đây, những định kiến bảo thủ này đang có nguy cơ bị lung lay. Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ Hàn Quốc đứng lên đấu tranh đòi quyền được phá thai, phản đối vấn nạn quay lén và tổ chức phong trào #MeToo trên diện rộng, từ đó khơi dậy một phong trào nữ quyền lớn nhất trong lịch sử đất nước.
Trong một số cuộc vận động vì nữ quyền, nhiều nhà hoạt động đã tuyên bố họ sẽ không bao giờ kết hôn, sinh con hay thậm chí là quan hệ tình dục với nam giới. Trong khi đó, một số người cũng đã quảng bá đồ mỹ phẩm trang điểm của họ trong các video được đăng tải trên mạng xã hội để phản đối những tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống khắt khe của Hàn Quốc.
Xung đột quan điểm
Trong bối cảnh những phong trào đấu tranh vì nữ quyền đang phát triển mạnh mẽ, các nền tảng mạng xã hội Hàn Quốc cũng xuất hiện một làn sóng phản đối gay gắt.
Trong kỳ Olympic vừa qua, những người phản đối nữ quyền thậm chí đã chỉ trích vận động viên bắn cung An San vì để tóc ngắn, yêu cầu cô trả lại huy chương vàng và công khai lên tiếng xin lỗi.
Kênh YouTube của nhóm cực hữu này đã thu hút hơn 300.000 người đăng ký kể từ khi thành lập vào tháng 2.
Vận động viên bắn cung An San đã bị chỉ trích vì mái tóc ngắn của mình. Ảnh: AFP |
Họ đã dẫn lại những lời xin lỗi từ các công ty và cơ quan chính phủ vì đã sử dụng hình ảnh khum ngón tay trong nhiều đoạn quảng cáo, bởi họ cho rằng "những người theo chủ nghĩa nam nữ bình quyền, căm ghét đàn ông cực đoan" đã sử dụng kí hiệu miệt thị nam giới có dương vật nhỏ.
Các chính trị gia bảo thủ tại Hàn Quốc, bao gồm cả hai ứng cử viên Tổng thống, đã tận dụng làn sóng tẩy chay này để công khai ủng hộ chiến dịch phản đối nữ quyền, đồng thời cam kết bãi bỏ, giải thể Bộ Bình đẳng giới trong nhiệm kỳ tới nếu đắc cử.
Những người phản đối đã liên tục chỉ trích vai trò của cơ quan này, cáo buộc chính Bộ Bình đẳng giới đã khiến cho những căng thẳng trong xã hội Hàn Quốc bị "khoét sâu" thêm, khẳng định rằng các chính sách mang tiếng là “bình đẳng” nhưng không hề giải quyết được những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nam giới.
Vấn đề nữ giới được miễn nhập ngũ cũng là chủ đề gây tranh cãi trong khoảng 2 năm gần đây. Nhiều đàn ông Hàn Quốc cho rằng quy định bắt buộc nhập ngũ ảnh hưởng tới tiến trình thăng tiến sự nghiệp của họ trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt.
Nhà lập pháp bảo thủ Ha Tae-keung, người đang tìm kiếm cơ hội đại diện cho Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, khẳng định rằng Bộ Bình đẳng giới đã không còn phù hợp với đường lối phát triển của đất nước.
Ông Ha cho rằng cơ quan này cần phải được giải tán để “giảm những chi phí xã hội sinh ra từ những xung đột trong các vấn đề về giới" .
"Cơ quan này giống như một thây ma, dù vẫn còn tồn tại nhưng nó như đã ngừng hoạt động, và đó là lý do tại sao nó luôn là nhân tố tạo ra những bất đồng trong xã hội", vị ứng viên tuyên bố.
Được thành lập vào năm 2001, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ hệ thống hộ khẩu Hoju vốn bị coi là phân biệt đối xử của quốc gia này, khi xác định chủ hộ thường là đàn ông gây ra những định kiến về giới.
Bộ này cũng đã thành lập một cơ quan chuyên trách để giúp các bà mẹ đơn thân tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính trong thời gian nuôi con, đồng thời thực hiện vai trò là cầu nối các bà mẹ có việc làm phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc Chung Young-ai từng lên tiếng khẳng định vai trò của cơ quan này, và nhấn mạnh bộ này cần tiếp tục được duy trì: "Việc cải thiện các quyền của phụ nữ cho đến nay đã đạt được những bước tiến đang kể nhờ vào vai trò của Bộ chúng tôi".
Chiến lược giành phiếu bầu cử
Lee Jun-seok, nhà lãnh đạo 36 tuổi của Đảng PPP, từng tự khẳng định mình là một trong những chính trị gia được giới trẻ trong nước yêu thích nhất.
Ông Lee đã nhiều lần công khai phản đối những đặc quyền giữa các giới, chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến, vấn đề bình đẳng giới, và khẳng định rằng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cần phải bị loại bỏ.
Công chúng Hàn Quốc thậm chí so sánh ông Lee Jun-seok với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vì có những phát ngôn gây sốc, tiêu biểu như cho rằng phụ nữ trẻ Hàn Quốc đã không còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong giáo dục, cũng như trong công việc.
“Do chịu ảnh hưởng từ những cuốn tiểu thuyết và phim ảnh, phụ nữ trẻ tự hình thành tâm lý nạn nhân, bất giác cho rằng họ đang bị phân biệt đối xử một cách vô căn cứ”, ông Lee cho biêst.
Jinsook Kim, nghiên cứu sinh tại Đại học Pennsylvania, cho biết: "Hiện nay, một số nam thanh niên Hàn Quốc thậm chí còn coi mình là nạn nhân của chủ nghĩa nữ quyền”.
Bà Kim cũng nhận định rằng các chính trị gia Hàn Quốc hiện đang cố gắng “khai thác” sự phẫn nộ của những người đàn ông để giành được sự ủng hộ và hơn thế là phiếu bầu của nhóm đối tượng này trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Nam giới mất đi đặc quyền
Chiến dịch phản đối nữ quyền nở rộ tại Hàn Quốc trong bối cảnh nền kinh tế bị đình trệ, tình trạng bất bình đẳng ngày càng sâu sắc, giá nhà đất tăng vọt, khiến nhiều người dân nước này cảm thấy chán nản, lo lắng về tương lai.
Chuyên gia Oh Jae-ho của Viện nghiên cứu Gyeonggi chỉ ra rằng việc phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động tạo thêm sự cạnh tranh trong thị trường việc làm, việc phụ nữ không phải đi nghĩa vụ quân sự đã khiến cho nam giới cảm thấy bất công.
"Những thanh niên trẻ tuổi cảm thấy rằng họ đang bị đối xử một cách bất công, phải trả giá cho những đặc quyền phân biệt giới tính mà những người đàn ông ở thế hệ cũ được hưởng", ông Oh cho biết.
Những đặc quyền dành cho nam giới vốn cũng đã tồn tại từ lâu trong quá khứ tại Hàn Quốc. Trong các nước phát triển thuộc tổ chức OECD, Hàn Quốc là quốc gia có khoảng cách chênh lệch về lương giữa các giới cao nhất, phụ nữ phải làm việc nhà nhiều hơn gấp 2,6 lần nam giới dù đây là những công việc không được trả lương. Và theo thống kê, chỉ 5,2% thành viên hội đồng quản trị của các tập đoàn tại Hàn Quốc là nữ giới.
Hàn Quốc hiện cũng phải đối mặt với những vấn đề xã hội có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây như tội phạm khiêu dâm trả thù và nạn quay lén.
“Trước tình hình đó, các nhà chính trị gia vẫn phủ nhận sự phân biệt đối xử tồn tại một cách có hệ thống với phụ nữ. Họ đang gạt bỏ tiếng nói của những phụ nữ lên đấu tranh vì nữ quyền, coi những mong muốn của họ là nguồn gốc của xung đột giới", nhà hoạt động nữ quyền Ahn So-jung cho biết.