Được tuyển chọn trong số các sáng tác của 21 nhà văn và nhà thơ - bao gồm các nhà nữ quyền Rha Hye-seok và Baek Shin-ae, các tác phẩm đã được xuất bản trong tuyển tập ba phần "Modern Girl" (tạm dịch: Cô gái hiện đại), bao gồm một tuyển tập tiểu luận có tựa đề "Blue Deer in My Head" (tạm dịch: Chú nai xanh trong đầu tôi), tuyển tập thơ "Capital Way" (tạm dịch: Con đường thủ đô) và tập truyện ngắn "Girl of Suspicion" (tạm dịch: Cô gái đa nghi).
Các tác phẩm ban đầu được viết bằng chữ Hán cổ điển và hiện đại, đã được chuyển sang ngôn ngữ Hàn Quốc đương đại. Bộ truyện mang đến triết lý và hành động của những cô gái hiện đại cách đây một thế kỷ, và vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay.
Bìa của ba phần tuyển tập 'Cô gái hiện đại' (2021). |
Rha (1896-1948) là một nghệ sĩ mang phong cách riêng so với các tác gia cùng thời. Bà là nữ họa sĩ, nhà văn theo phong cách phương Tây đầu tiên của Hàn Quốc, cũng là người tiên phong ủng hộ nữ quyền. Truyện ngắn đầu tay của bà, "Kyung-hee" (1918), phản ánh những suy nghĩ phê phán về chế độ phụ hệ và hôn nhân, cũng như nhu cầu giáo dục và độc lập của phụ nữ.
Nhân vật Kyung-hee, cũng giống như Rha, từng đi du học ở Nhật Bản, bất chấp những lời chê bai, khuyên can của gia đình như: "Phụ nữ hạnh phúc nhất khi họ không biết gì về thế giới", "Nếu các cô gái được giáo dục, họ sẽ trở thành những kẻ tự mãn không ra gì."
Kyung-hee tin rằng cô sinh ra để làm những điều vĩ đại, nhưng khi cha cô thúc giục cô kết hôn với con trai của một gia đình giàu có và danh tiếng, cô phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa hai con đường phía trước. Kyung-hee nghĩ rằng một người phụ nữ có thể thoát ly thành công khỏi truyền thống hàng thế kỷ phải không phải là một người phụ nữ tầm thường - như Joan of Arc (1412-1431), nữ lãnh chúa, người chỉ huy quân sự và anh hùng trong các cuộc chiến đấu giữa Pháp và Anh, đã được Giáo hội Công giáo La Mã phong thánh. Nhân vật Kyung-hee của Rha đã luôn trăn trở tự hỏi bản thân liệu mình có dòng máu anh hùng và lòng can đảm đến thế hay không, trước khi tìm ra được con đường cuối cùng dành cho chính mình.
Tiểu thuyết đầu tay năm 1929 của nhà văn Baek Shin-ae (1908-1939), "Mẹ tôi" miêu tả một phụ nữ trẻ tham gia vào một vở kịch toàn nam giới trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản tại một thị trấn nông thôn bảo thủ. Người anh trai của nữ chính bị bỏ tù sau khi tham gia phong trào kháng chiến, bản thân nữ chính thì bị sa thải khỏi việc dạy học sau khi làm công tác tổ chức phong trào phụ nữ, cô là đối tượng nhận được tất cả sự quan tâm - cũng như là nơi trút giận của người mẹ.
Mặc dù cả hai mẹ con đều quan tâm đến nhau, nhưng người con gái không chịu từ bỏ mong mỏi sống một cuộc đời theo cách của riêng mình. "Nhưng mẹ ơi, con sẽ không bao giờ kết hôn với ông Kim, người mà mẹ lựa chọn. Và con sẽ không bỏ lỡ buổi tập cho vở kịch vào tối mai."
Không phải tác phẩm nào trong tuyển tập cũng giống truyện của Rha và Bae, chứa đựng những thông điệp trực tiếp nói lên sự giải phóng phụ nữ. Trên thực tế, nhiều tác phẩm khác chỉ đơn giản là ghi lại những cảm xúc về hạnh phúc, nỗi buồn hay ý nghĩa cuộc sống được tìm thấy trong những việc thường nhật nhất: ký ức về mối tình đầu, câu chuyện tuần trăng mật ngọt ngào, kỳ nghỉ cuối năm ở Âu Mỹ hay khao khát làm mẹ.
Những mẩu chuyện có thể chứa đựng những thông điệp lớn lao hoặc những bình dị đời thường, chúng đều là minh chứng hiếm hoi còn sót lại được sinh ra từ thời đại mà phụ nữ bắt đầu có thể tham gia cầm bút. Những ý tưởng và chân dung trong những mẩu chuyện có những phẩm chất phổ quát tiếp tục gây được tiếng vang với độc giả ngày nay, sau hơn một thế kỷ.
Những tác phẩm đến từ quá khứ này dường như vẫn phản ánh hiện tại của chúng ta. Khi đọc những tác phẩm này, tất cả chúng ta đều hy vọng rằng một ngày mai tốt đẹp hơn cuối cùng sẽ đến.
Nữ tiểu thuyết gia Park Seo-ryeon