Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc ông Antony Blinken, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ từ 2015 - 2017, cho vị trí Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Nếu Antony Blinken muốn thiết lập lại mối quan hệ của Mỹ với các nước châu Á, ông nên để mắt tới những sư kiện tại vùng biển phía đông bắc Trung Quốc.
“Liên minh là một ý tưởng tốt, nhưng liên minh để làm gì?”
Theo Bloomberg đưa tin tuần trước, hơn 50 tàu chở than của Úc đang mắc kẹt ngoài khơi vùng biển này, giữa bối cảnh tình hình ngoại giao giữa 2 nước đang rất căng thẳng. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đang cân nhắc áp thuế chống bán phá giá lên tới 212,1% với rượu vang nhập khẩu từ Úc. Bắc Kinh cũng chỉ trích sự đưa tin của các phương tiện truyền thông Australia, và phản đối việc Canberra thông qua các đạo luật ngăn chặn sự can thiệp chính trị từ nước ngoài. Các quan chức Trung Quốc cho rằng đây là những hành động “đầu độc” mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Khoảng hơn 50 tàu chở than từ Australia đã phải chờ ngoài khơi các cảng Trung Quốc ít nhất 1 tháng để được cập cảng. (Ảnh: Reuters.) |
Khi tiếp cận với các vấn đề quốc tế, ông Blinken sẽ phải đối mặt với áp lực toàn diện về mọi mặt. Tuy nhiên, đây là phép thử cho năng lực của ông. Quan điểm về hợp tác quốc tế của Blinken khác với ông Donald Trump. Nếu như Trump luôn muốn đối đầu với Trung Quốc và coi thường các đồng minh, Blinken coi đồng minh và trật tự quốc tế là “nguồn lực” hiệu quả nhất cho lợi ích của Washington.
“Những vấn đề lớn nhất mà Mỹ và thế giới đang phải đối mặt - biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, hay sự gia tăng của vũ khí hạt nhân - đều không thể đơn phương giải quyết bởi một quốc gia,” Blinken quả quyết, “Chúng ta cần tập hợp các đồng minh và đối tác lại thay vì xa lánh họ, để đối phó với thách thức từ Trung Quốc.”
Logic của Blinken rất đơn giản. Trung Quốc có dân số nhiều gấp 4 lần Mỹ. Trong 1 thập kỷ tới, Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ về kinh tế. Ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh cũng tăng mạnh trong thập kỷ vừa qua. Washington khó có thể “đơn thương độc mã” đối phó với Bắc Kinh, nếu không có các đồng minh hỗ trợ. Câu hỏi đặt ra là trước lập trường ngày càng quyết liệt của Trung Quốc, liên minh do Mỹ đứng đầu sẽ vững mạnh hơn hay dần tan rã?
Úc là một đồng minh trung thành của Mỹ, và là một trong những nước giàu nhất châu Á. Tuy nhiên, ngoại trừ nước Bhutan nhỏ bé, hầu như mọi quốc gia trong khu vực đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn hơn Mỹ. Nếu Bắc Kinh sử dụng sức mạnh ngoại giao và thương mại của mình ở một khu vực khác, như đã làm với Canberra, chưa rõ các cường quốc tại Đông Nam Á như Thái Lan hoặc Malaysia sẽ ủng hộ bên nào. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Mới của Bloomberg rằng, rất ít nước sẵn sàng tham gia một liên minh chống lại Trung Quốc.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và ứng viên sáng giá cho vị trí Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Antony Blinken. (Ảnh: New York Times) |
“Liên minh là một ý tưởng tốt, nhưng liên minh để làm gì?”, James Crabtree, Phó Giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Singapore đặt vấn đề. Theo ông Crabtree, một số nước châu Á ủng hộ Mỹ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, nhưng một số nước khác lại không muốn bị chi phối bởi Washington. Sẽ rất khó để làm hài lòng cả 2 phe.
Cần phải chăm chỉ, khéo léo và linh hoạt hơn
Blinken là một trong những “công trình sư” quan trọng nhất của chiến lược xoay trục sang châu Á thời Tổng thống Barack Obama. Bắc Kinh nhìn nhận đây là một chiến lược bao vây đầy toan tính của Mỹ. Tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể là một ý tưởng hay. Nhưng về mặt chính trị, rất khó để Quốc hội Mỹ đồng tình với ý tưởng này. Trong khi đó, những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm đặt Trung Quốc như một đối tác về những vấn đề như biến đổi khí hậu, Triều Tiên và Iran, khiến các đồng minh ở châu Á cảm thấy bị bỏ rơi.
“Chính quyền Obama đã đánh giá sai về tiềm năng phát triển của Trung Quốc,” Rory Medcalf, Hiệu trưởng trường Cao đẳng An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, khẳng định, “chính quyền Trump khiến Trung Quốc lo lắng, và qua đó, phá hỏng thiện chí giữa 2 nước.”
Có một số cơ hội để Blinken đáp lại kỳ vọng dành cho ông. Blinken có thể kế thừa lập trường cứng rắn của chính quyền Trump, mà không đẩy mọi thứ vượt quá giới hạn. Bên cạnh đó, Mỹ đang phát triển quan hệ đối tác với Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Úc để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực, nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đây là một thời cơ để Washington củng cố quyền lực mềm của mình.
Châu Á là khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những rủi ro đó có thể giống với những gì Mỹ đang phải đối mặt tại Trung Đông: đổ máu và tiền bạc vào một nơi không thể định hình, hay bị đổ lỗi cho việc không thể giải quyết những tranh chấp trong khu vực. Blinken nói riêng và chính quyền Biden nói chung, sẽ phải làm việc rất chăm chỉ, khéo léo và linh hoạt để thâu tóm quyền lực tại châu Á.