Trước thông tin chính phủ Mỹ dự định đưa 4 công ty Trung Quốc bao gồm công ty Công nghệ xây dựng Trung Quốc, công ty Tư vấn kỹ thuật quốc tế Trung Quốc, công ty sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC), và Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách các công ty có liên quan đến quân đội Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện lập trường cứng rắn, theo đó nước này phản đối việc Mỹ lợi dụng khái niệm an ninh quốc gia để chèn ép, hạn chế các công ty của Trung Quốc.
Bà Hoa Xuân Oánh nói: “Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa các hợp tác có liên quan, hy vọng Mỹ có thể tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, không kỳ thị cho các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Đối với việc thời gian gần đây các cơ quan chức năng Mỹ tra hỏi nhân viên Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển tàu biển và hàng không về thân phận Đảng viên Đảng Cộng sản của họ, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định, đây là hành vi khiêu kích chính trị nghiêm trọng của Mỹ, phá hoạt các hoạt động giao lưu giữa nhân viên hai nước. Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, Mỹ không nên thiết lập các rào cản, chướng ngại đối với các hoạt động giao lưu thông thường giữa hai nước Trung – Mỹ.
Ngoài ra, tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng tuyên bố quyết định của nước này về việc trừng phạt Giám đốc cao cấp chương trình châu Á thuộc Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ Mỹ (NED) John Knaus, Phụ trách chương trình châu Á của Viện Dân chủ quốc gia về các vấn đề quốc tế (NDI) Anand, cùng 2 người khác của viện này phụ trách hoặc có liên quan đến Hong Kong.
Lý do được bà đưa ra cho lệnh trừng phạt là do những "hành động sai trái của phía Mỹ". Người phát ngôn một lần nữa bày tỏ sự "kiên quyết phản đối" và "lên án mạnh mẽ" việc Washington "nhúng tay" vào vấn đề Hong Kong và "can thiệp thô bạo công việc nội bộ của Trung Quốc", đồng thời yêu cầu phía Mỹ dừng ngay các hành động này, "không nên đi quá xa" trên con đường sai lầm.
Bà gọi 4 cá nhân bị trừng phạt là "những người không được Trung Quốc hoan nghênh" và cho biết họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, trong đó bao gồm cả Hong Kong và Macao. Đây được coi là biện pháp trả đũa của Bắc Kinh nhằm vào lệnh trừng phạt mà Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 9/11 đối với 4 quan chức nước này do vai trò của họ trong việc thực thi Luật an ninh mới tại Hong Kong. Những người này bị cấm đến Mỹ cũng như bị phong tỏa mọi tài sản liên quan đến nước này.
Căng thẳng Trung – Mỹ hậu bầu cử tiếp tục gia tăng sau hàng loạt các lệnh cấm vận mà Mỹ nhằm vào các công ty Trung Quốc được cho là có liên quan đến quân đội nước này cũng như các lệnh trừng phạt cá nhân liên quan đến vấn đề Hong Kong. Hôm 12/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ đầu tư vào 31 doanh nghiệp bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc, tiếp đó là hàng loạt các thông tin về việc Mỹ sẽ cấm vận 89 công ty ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc và mới đây là 4 công ty bị nêu tên.
Mặc dù đây là sắc lệnh hành pháp do Tổng thống ký và hoàn toàn có thể bị Tổng thống nhiệm kỳ kế tiếp hủy bỏ. Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc đánh giá, Tổng thống Trăm đang để lại một di sản “đầy rẫy những trở ngại” và khó có thể bị thay đổi về quan hệ Trung – Mỹ cho Tổng thống kế nhiệm trong trường hợp ông Trump phải rời Nhà trắng sau ngày 20/1/2021.