Bất chấp những biến số về kiểm phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, truyền thông nước này nhận định lợi thế đang nghiêng về phía ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Không rõ liệu ông Biden có dỡ bỏ các biện pháp thuế quan nhằm vào Trung Quốc nếu ông trở thành ông chủ Nhà Trắng hay không, nhưng tư duy của ông Biden trong cuộc cạnh tranh khoa học giữa Mỹ và Trung Quốc cũng giống như ông Trump, đều là tập trung nỗ lực ngăn Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu.
Theo tờ Wall Street Journal phát hành tại Malaysia, ngăn chặn tiến bộ khoa học công nghệ đã trở thành một trong những nhận thức chung của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa.
Do đó, dù sau khi lên nắm quyền, ông Biden có thể thay đổi quan điểm về một số vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cố vấn đảng Dân chủ đều cho rằng ông Biden sẽ kế thừa mục tiêu của chính phủ tiền nhiệm, ngăn chặn Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo khoa học công nghệ toàn cầu.
Theo thông tin mà tờ Wall Street Journal trích dẫn, kế hoạch chi tiết về cuộc chiến công nghệ của ông Biden là “tăng cường phòng thủ và lặng lẽ tấn công” với ba trọng điểm sau:
Thứ nhất, thách thức sự phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện kiểm soát xuất khẩu đối với các công ty Trung Quốc. Các nhà phân tích và quản lý ngành công nghệ cho rằng chính quyền của ông Biden có thể sẽ tiếp tục nhiều chính sách được thực hiện trong vài năm qua, bao gồm hạn chế xuất khẩu đối với các công ty Trung Quốc, đặc biệt là đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Thứ ba, tăng cường vị thế của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ. Dự kiến, Chính quyền của ông Biden sẽ hành động để củng cố vị thế của Mỹ. Các cố vấn của ông Biden từng tuyên bố rằng họ có kế hoạch ưu tiên xem xét để Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và thiết bị mạng 5G.
Trên thực tế, vào tháng 9/2020, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã công bố Dự luật Nước Mỹ lãnh đạo (America Leads Act), trong đó đề xuất đầu tư 350 tỷ USD trong 10 năm tới để chấn hưng năng lực ngành chế tạo và cơ sở hạ tầng của Mỹ, giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào ngành chế tạo Trung Quốc (chất bán dẫn, viễn thông, dược phẩm) và nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ.
Dự luật Nước Mỹ lãnh đạo được nhìn nhận giống như phiên bản chiến lược “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) của Trung Quốc. Trong đó, 300 tỷ USD sẽ được đầu tư để tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển của Mỹ về công nghệ mới liên quan tới trí tuệ nhân tạo (AI) và 16 tỷ USD sẽ được đầu tư để giúp ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu toàn cầu.
Dự luật Nước Mỹ lãnh đạo đồng thời yêu cầu Tổng thống Mỹ đề xuất các phương án nâng cao năng lực chế tạo các sản phẩm bán dẫn trong nước và tăng tỷ trọng mua các sản phẩm liên quan trong nước.
Ngành công nghiệp chip điện tử của Mỹ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ Quốc hội và những khoản đầu tư như vậy. Ngành công nghiệp này đang vận động hành lang cho các biện pháp kích thích mang tới hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy ở trong nước và phục vụ nghiên cứu.
Theo báo trên, kiềm chế ảnh hưởng công nghệ của Trung Quốc là "xương sống" trong chính sách công nghệ của ông Trump. Khi tranh cử, ông Biden tuyên bố sẽ đầu tư chấn hưng ngành công nghệ Mỹ và hợp tác với các đồng minh để đối đầu với Trung Quốc trong thương mại.
Đây là hai khía cạnh mà các quan chức thuộc các ngành liên quan của Mỹ kỳ vọng. Ngoài ra, khi tranh cử, ông Biden từng đề cập tới mối lo lắng về các vấn đề của TikTok.
Trong hoạt động vận động tranh cử vào tháng Chín vừa qua, ông Biden nói rằng TikTok có thể lấy dữ liệu về rất nhiều người Mỹ trẻ tuổi. Điều này rất đáng lo ngại và ông sẽ làm việc với các đồng minh cùng các chuyên gia an ninh mạng để tìm ra giải pháp cho vấn đề.