Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thời gian qua, trong quá trình triển khai áp dụng Thông tư 16/2021/TT-BGTVT một số quy định đã bộc lộ bất cập như: yêu cầu kiểm định đối với phương tiện mới, chu kỳ kiểm định chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt đối với phương tiện cá nhân (xe không kinh doanh vận tải)…Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, nghiên cứu và đề xuất Chính phủ cho phép khẩn trương sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đến nay, sau 1 tháng khẩn trương, tập trung triển khai, Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT đã được Bộ Giao thông Vận tải ban hành và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 22/3/2023.
Thông tư sửa đổi có hiệu lực từ 0 ngày 22/3/2023 với sửa đổi 7 điều và 5 phụ lục trên 18 điều và 19 phụ lục của Thông tư cũ.
Trong đó, có 2 nội dung đáng chú ý. Đó là miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng. Điều kiện của phương tiện để được áp dụng quy định này là có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ, sẽ được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.
Thông tư mới ban hành đã điều chỉnh chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới. Cụ thể, đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải: Chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng.
Thời gian sản xuất đến 7 năm: Chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng.
Thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm): chu kỳ giữ nguyên 12 tháng. Thời gian sản xuất trên 20 năm, chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.
Với ô tô mới, chưa qua sử dụng, từ hôm nay, chủ xe không cần đưa xe đến trung tâm đăng kiểm như trước mà chỉ cần mang các loại giấy tờ để làm hồ sơ kiểm định và được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định để tự dán. Với các xe đã qua sử dụng, sau khi kiểm định đạt, được cấp Giấy chứng nhận và tem kiểm định với chu kỳ mới theo quy định của Thông tư ban hành ngày 22/2/2023.