Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
75 năm đã trôi qua kể từ khi lần đầu tiên người dân Việt Nam được thực hiện quyền làm chủ của mình, những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946 vẫn còn nguyên giá trị, mang tính nền tảng của một chế độ bầu cử thực sự tự do, dân chủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946). Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc ban hành các sắc lệnh quy định về bầu cử

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự nhanh nhạy trong việc tạo thời cơ và tận dụng thời cơ, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã nhanh chóng giành được thắng lợi. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một trong những cơ sở cần có đầu tiên của một Nhà nước là Hiến pháp, mà muốn có Hiến pháp phải có Quốc hội. Vì thế, mặc dù tình hình đất nước đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác vẫn đề ra nhiệm vụ vô cùng khó khăn là phải tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội; tiếp theo đó, Bác ban hành Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 2/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51-SL nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử.

Công tác chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài; trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do UBND các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình, hạn chế những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh quyền giành chức.

Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước”.

Một bằng chứng về khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc ta

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ảnh 1
Khu vực bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể người dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6/1/1946 - đi bầu cử Quốc hội. Ở các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại của kẻ thù, nhưng cuộc Tổng tuyển cử vẫn diễn ra an toàn; còn các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn ác liệt của giặc Pháp.

7 giờ sáng ngày 6/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với hàng vạn cử tri thủ đô đi làm nghĩa vụ công dân. Bác đã đi bầu ở phòng bỏ phiếu đặt tại số nhà 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ, Hà Nội). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình, Bác đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác. Bác đặc biệt cảm động khi chứng kiến những cụ già 70, 80 tuổi vẫn được con cháu cõng đi bỏ phiếu hoặc nhiều người mù vẫn nhờ người nhà dẫn đến hòm phiếu để tự tay mình làm nhiệm vụ công dân.

Trước ngày Tổng tuyển cử, tại Thủ đô Hà Nội, 118 Chủ tịch các Ủy ban nhân dân và tất cả các đại biểu làng xã tại Hà Nội đã nhất trí công khai một bản kiến nghị. Nội dung bản kiến nghị là: yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn là Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Đáp lại nguyện vọng trên, Bác đã gửi thư trả lời: "Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nên tôi không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định...

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình không chỉ là tấm gương cho toàn thể nhân dân mà còn thể hiện sự công bằng, liêm chính của Chính phủ lâm thời mà Người là đại diện. Với đồng bào cả nước, hành động của Bác càng mang lại niềm tin vững chắc vào một tương lai mới cho dân tộc. Với các thế lực thù địch, Người không cho chúng có cơ hội xuyên tạc tính minh bạch của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam.

Cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành thành công tốt đẹp trên phạm vi cả nước. Bất chấp sự phá hoại của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của bọn thực dân Pháp ở phía Nam, tỷ lệ đi bầu cử ở các địa phương vẫn đạt từ 89%; trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần.

Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu với 98,4% số phiếu. Kết quả này là một bằng chứng về khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc ta và uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn thể nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ảnh 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 2/3/1946. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời. Thắng lợi này là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Thắng lợi đó khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng được độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là: “... kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Theo Báo Tin tức
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.
Hai bộ xương cá Voi có chiều dài trên 22m và 18m được phục dựng phục vụ du khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.
Ngọc cốt cá Voi lớn nhất Việt Nam ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
(Ngày Nay) - Ngư dân vùng biển Việt Nam nói chung, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng có văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) nhằm cảm tạ và cầu mong cho người dân huyện đảo bình an trước sóng gió trùng khơi, khai thác được nhiều sản vật từ biển. Cũng vì vậy mà ở đảo Lý Sơn đang có hàng chục lăng mộ thờ cá Ông.
Giáo sư Nguyễn Quý Đạo chia sẻ về cuốn tự truyện của mình.
"Bốn mùa - Một cuộc đời" - Lời tự sự của nhà khoa học Việt Nam trên đất Pháp
(Ngày Nay) - “Bốn mùa - Một cuộc đời” vừa ra mắt công chúng tại Pháp là cuốn tự truyện của Giáo sư Nguyễn Quý Đạo, tác giả và đồng tác giả của hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học, đồng thời là nhà hóa học người Việt Nam có tầm ảnh hưởng trong giới tri thức Pháp cũng như cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Pháp.
Công tố viên cáo buộc ông Trump gian lận bầu cử
Công tố viên cáo buộc ông Trump gian lận bầu cử
(Ngày Nay) - Các công tố viên New York khẳng định cựu Tổng thống Donald Trump đã phạm luật và gây ảnh hưởng xấu tới cuộc bầu cử năm 2016 bằng cách cố gắng che đậy hành vi mua dâm với một diễn viên khiêu dâm, trong khi luật sư bào chữa tuyên bố ông Trump vô tội.