PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 18/11 cũng xác nhận, đơn vị này đã tiếp nhận 2 trẻ, gồm Trần Công V (sinh năm 2014) và Trần Quang H (2018), ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trong đó, bé V vào bệnh viện Nhi Trung ương ngày 28/10, 3 ngày sau bé tử vong và được chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn huyết.
10 ngày sau đó, em trai của bé V là H (1,5 tuổi) cũng có dấu hiệu sốt. Gia đình đưa trẻ đến các cơ sở y tế tại Sóc Sơn, sau đó chuyển trẻ lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Dù được cấp cứu, chữa trị nhưng ngày 16/11, trẻ đã tử vong.
Ngày 30/10, Bệnh viện Nhi Trung ương đã lấy máu xét nghiệm (với bé V), đến ngày 1/11 thì có kết quả nuôi cấy dương tính với vi sinh vật Burkholderiapseudomallei (còn có tên gọi là Whitmore). Trường hợp bé H khi vào Bệnh viện Nhi Trung ương cũng được lấy máu xét nghiệm và cho kết quả tương tự.
Hiện các cơ quan chức năng, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội đang phối hợp điều tra dịch tễ tại Sóc Sơn.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đây là 2 trường hợp đầu tiên ở Hà Nội trong năm nay ghi nhận nhiễm vi khuẩn Whitmore.
“Đặc biệt, chưa có đủ bằng chứng khẳng định hai cháu lây bệnh Whitmore cho nhau. Hai trường hợp này mắc bệnh và tử vong trong thời gian ngắn, cùng địa điểm là điều đáng quan tâm. Hiện nay, điều tra dịch tễ chưa có gì đặc biệt. Tiền sử gia đình khỏe mạnh, bố mẹ đi làm ở công ty tại khu công nghiệp Quang Minh. Tại trường học và hàng xóm xung quanh cũng không có trường hợp mắc bệnh tương tự. Tuy nhiên, chúng tôi đang tiếp tục điều tra“, ông Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cũng cho biết, Trung tâm đang tiếp tục phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các Viện, Cục để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân.
Trung tâm cũng tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về căn bệnh, để người dân không hoang mang, tuyên truyền các biện pháp vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, tiến hành các bước khử khuẩn. Khi tiếp xúc với đất cần dùng trang bị bảo hộ.
Bệnh whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Biện pháp cơ bản để phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn nước, đất ô nhiễm. Khi có biểu hiện bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám, điều trị. Người dân không quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh này không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người. Tuy là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng đến nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế người dân không nên quá hoang mang.
Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, những người có cơ địa mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, bệnh thận, bệnh phổi mạn tính dễ có nguy cơ mắc bệnh.
Ở trẻ em thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh...