Này các bạn của tôi ơi, hôm nay chúng ta cùng nghĩ về những ngôi “nhà” chúng ta đang sở hữu nhé!
Bạn đang có bao nhiêu “nhà”?
Câu chuyện hôm trước, khi tôi chia sẻ với hơn 200 cán bộ một tập đoàn tư nhân, những người đang là cha mẹ về thương con sao để con thương. “Thương” là một ngôi nhà. Là lòng thương đúng sẽ tạo thành một ngôi nhà- mái ấm. Thương sai sẽ biến ngôi nhà thành quán trọ, mái hiên thậm chí, thành nhà tù.
Nên chữ THƯƠNG kia đích thị là một ngôi nhà vậy. Là nơi con cái muốn trở về, được an toàn khi ở đó. Nơi đó không chỉ bảo vệ con trước mưa gió bão táp ngoài kia (lũ trẻ cũng có vất vả của lũ trẻ, cạnh tranh của lũ trẻ, áp lực của lũ trẻ), mà nó còn phải là nơi để những giấc mơ của chúng được nuôi dưỡng, là nơi chúng muốn trở về chứ không phải chỉ là nơi chúng phải trở về. Là “điểm đến” nữa, muốn chạy thật nhanh về để khoe cùng cha mẹ. Để tự do và cao hơn, được chung tay chăm sóc “ngôi nhà” đó. Bằng việc tạo lòng tin cho cha mẹ với mình, giữ lòng tin của cha mẹ nơi mình.
Như tôi vẫn nói cùng ba đứa nhỏ của mình: Bố mẹ tin các con. Hãy giúp bố mẹ giữ lòng tin đó, làm cho lòng tin đó bền vững mãi mãi.
Nên chúng chưa bao giờ phải nói dối bố mẹ vì thế! Là nơi mà chúng biết, lòng thương của cha mẹ là thứ thuộc về chúng. Bố mẹ là miễn phí của đời con vậy. Miễn phí suốt đời.
“Nhà” cũng chính là tên gọi khác của hai chữ: Gia Đình. Nên nhà có thể ở muôn nơi, miễn là khi chúng ta ở bên nhau. Nên bữa cơm gia đình không nhất thiết phải ở nhà mà cứ ăn cùng nhau thì đâu cũng thành nhà vậy, ăn ở đâu cũng là bữa cơm gia đình vậy. Một “bữa cơm gia đình” xin hãy đúng trọng tâm là “gia đình”. Đừng mang bụi bặm ngoài kia vào. Ăn ngon miệng vốn bởi ăn cùng tâm thế nào là thế.
“Nhà” cũng có thể là một nơi làm việc. Trách nhiệm của lãnh đạo là trả lương cho nhân viên nhưng nếu chỉ có vậy, nhân viên mãi mãi là kẻ làm thuê. Nơi làm việc chỉ có thể trở thành “ngôi nhà thứ hai” của nhân viên nếu như lãnh đạo của họ coi nhân viên như thành viên của gia đình. Nên điều tự hào nhất tôi hay nói về vợ mình là cách mà đội ngũ nhân viên của vợ tôi, 10 năm qua, dù chị Trang làm nhà hàng, làm rèm, làm hoa hay bây giờ là thêm mảng giặt là, đội ngũ đó vẫn đồng hành không bỏ đi. Bởi vợ tôi đã làm được chữ “nhà” trong việc quản trị doanh nghiệp của mình.
Và cuối cùng, “nhà” cũng có thể là chính bản thân mình. Bạn có thể trở thành “nhà” cho chính bạn được không? Là bạn có yêu bản thân mình, trân quý và bảo vệ bản thân mình, giá trị con người mình không? Và bạn có thể trở thành “nhà” cho vợ bạn, chồng bạn, con bạn, người thân của bạn, bạn bè của bạn tìm đến trú tránh và dựa cậy vào bạn được không?
Tuần này có ngày Gia đình Việt Nam, tôi nêu ra vài suy nghĩ về “nhà” liệu có giúp bạn tìm thấy những ngôi nhà của mình không? Bạn đã có bao nhiêu ngôi nhà rồi?