Đỉnh phát thải carbon là mức giới hạn thải khí CO2 trước khi sẽ giảm xuống trong các năm tiếp theo cho đến khi đạt mục tiêu an toàn (hay còn gọi là trung hòa carbon). Trung Quốc đặt hai mục tiêu là đạt đỉnh carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn chưa rõ mức đỉnh phát thải của Trung Quốc sẽ đạt được như thế nào, song phần lớn dự báo con số này sẽ cao hơn mức năm 2020 ít nhất 15%.
Trước đó, giới chuyên gia từng hoài nghi khả năng thực hiện cam kết năm 2030 của Trung Quốc vì nước này tiếp tục phê duyệt xây dựng mới hàng chục nhà máy điện than để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và tránh lặp lại tình trạng mất điện như trong năm 2021. Tuy nhiên, các chuyên gia, trong đó có 64 người làm việc tại Trung Quốc, đã bày tỏ lạc quan hơn về khả năng nước này đạt mục tiêu sớm. Đa số người được hỏi tin rằng các điều kiện kinh tế hậu đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. 50% các chuyên gia được hỏi tin tưởng Trung Quốc sẽ đạt đỉnh phát thải trước năm 2030, dù vẫn có 25% các chuyên gia dự báo mức này sẽ tiếp tục tăng sau năm 2035.
Việc Trung Quốc không sẵn sàng đồng ý loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch được cho là điểm khúc mắc lớn trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào tuần tới, mặc dù Trung Quốc sẵn sàng đồng ý với kế hoạch toàn cầu mới là tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo.
Trong thỏa thuận với Mỹ, Trung Quốc cũng cho biết nước này sẽ đẩy nhanh việc thay thế than, dầu mỏ và khí đốt để đảm bảo mức giảm phát thải của ngành điện trước năm 2030 thực sự có ý nghĩa. Nhà phân tích hàng đầu của CREA, bà Lauri Myllyvirta cho biết có thể lượng khí thải của Trung Quốc bắt đầu giảm với các nguồn tái tạo có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng mới của quốc gia đông dân nhất thứ nhì thế giới.