GS. TS Nguyễn Văn Huyên được cử làm bộ trưởng quốc gia giáo dục từ năm 1946 đến năm 1975. Ông giữ chức bộ trưởng lâu nhất ở Việt Nam, hơn 29 năm. Theo Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1908 (theo tài liệu gia đình thì ông sinh năm 1905), quê ở Hoài Đức, Hà Tây (cũ). Ông là nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. “Ông là nhà khoa học nhân văn hiện đại đầu tiên của thế kỷ này” (Lời GS Trần Quốc Vượng).
Xoay quanh gia đình ông là những người nổi tiếng, những trí thức hàng đầu của Việt Nam thời đó. Bà Nguyễn Thị Mão, chị ruột ông, cô giáo dạy toán đầu tiên ở trường Đồng Khánh, là phu nhân khâm sai đại thần (sau này là phó thủ tướng) Phan kế Toại; em ruột ông, luật sư Nguyễn Văn Hưởng - nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp; em vợ ông, bà Vi Kim Phú là phu nhân của GS. BS Hồ Đắc Di; cháu gái ông Vi Nguyệt Hồ là phu nhân của GS. BS Tôn Thất Tùng; Tiến sỹ văn chương, tiến sỹ luật khoa Nguyễn Mạnh Tường, nhà sử học Hoàng Xuân Hãn đều là bạn thân của ông… Quả là một gia đình “Danh gia vọng tộc”.
Đến thăm mảnh đất nơi mà cố bộ trưởng cùng gia đình đã sống nhiều năm tại ngã ba Trần Hưng Đạo và Đinh Công Tráng (Hà Nội), con trai ông ra đón, tôi giật mình như gặp lại ông, khi ông đến thăm trường cấp hai Kỳ Phong (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) nơi thời xưa tôi đã học.
Tôi nói với con trai ông cảm tưởng của mình sau bao nhiêu năm mà bây giờ tôi vẫn nhớ khi nhà trường cử tôi và một bạn nữ sinh cùng thầy hiệu trưởng mang hoa ra tận đường cái đón ông.
Trong cuốn “ Văn minh Việt Nam” nổi tiếng của ông xuất bản năm 1944, ông viết “Gia đình là cơ sở xã hội Việt Nam. Sức mạnh của gia đình là chữ HIẾU. Chữ HIẾU là một chất gắn kết ràng buộc mọi người trong dòng họ…”.
Trong gia đình thì việc giáo dục con cháu giữ trọn chữ HIẾU là việc vô cùng quan trọng mà vai trò của người phụ nữ, người vợ, người mẹ chính là vai trò của “Người giữ lửa”, giữ được ngọn lửa tình yêu cháy mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác trong những gia đình truyền thống Việt Nam.
Cố GS. TS Nguyễn Văn Huyên kết hôn với một thiếu nữ đài các, bà Vi Kim Ngọc, con quan tổng đốc Vi Văn Định. Ông bà có bốn người con đều học hành đỗ đạt, đều làm nên sự nghiệp, có thể nói là thành danh.
Cố GS Nguyễn Văn Huyên và bàVi Kim Ngọc. |
Nguyễn Kim Nữ Hạnh (1937- 2010), là trưởng nữ của cố GS Nguyễn Văn Huyên. Bà là kỹ sư thông tin, tín hiệu đường sắt trước khi về hưu. Trong gần 10 năm sau khi nghỉ hưu do những hoàn cảnh riêng đưa đẩy bà quan tâm đến vai trò giáo dục gia đình với trẻ nhỏ và đã xuất bản cuốn “Vòng tay mẹ” (Nhà xuất bản Phụ Nữ) do bác sỹ Nguyễn Khắc Viện viết lời giới thiệu được nhiều gia đình tìm đọc. Cuốn "Câu chuyện của người trông trẻ" (2010) là những kinh nghiệm thực tiễn sinh động về tâm lý dạy con cái. Cuốn “Tiếp bức chân cha”, hồi ký về cố GS Nguyễn Văn Huyên, bà viết trong nhiều năm đã được nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2003, dày trên 700 trang với nhiều tư liệu quý, là những bài học bổ ích cho những bậc làm cha, làm mẹ.
Người con gái thứ hai của cố GS. TS Nguyễn Văn Huyên là Nguyễn Kim Bích Hà, tiến sỹ hóa học, phó giáo sư, hiệu trưởng trường phổ thông dân lập Nguyễn Văn Huyên.
Phó giáo sư, tiến sỹ y khoa, thầy thuốc nhân dân, nguyên phó giám đốc quân y viện 108, đại tá Nguyễn Kim Nữ Hiếu là cô con gái thứ ba của cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã nổi tiếng về sự hy sinh, vượt khó trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1972.
Cố GS. TS Nguyễn Văn Huyên có hai cháu nội là Nguyễn Vũ Hoàng sinh năm 1981 tốt nghiệp đại học Luật nhưng không theo nghề luật, mà muốn theo nghề của ông. Hiện Hoàng đang làm luận án tiến sỹ về nhân học tại Canada; Nguyễn Vũ Hưng sinh năm 1982 đã tốt nghiệp đại học hán ngữ ở Nam Ninh (Trung Quốc). Ông có sáu cháu ngoại, trong đó có bốn người là tiến sỹ, hai là thạc sỹ.
Bây giờ, tôi đang trò chuyện với người con út, phó giáo sư, tiến sỹ, nguyên giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam Nguyễn Văn Huy.
TS Nguyễn Văn Huy sinh năm 1945, là người có công trong việc đưa Bảo tàng dân tộc học Việt Nam trở thành một bảo tàng danh tiếng, giờ tóc đã bạc trắng, dẫn tôi đi xem những hiện vật của cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên để lại. TS Huy đưa cho tôi xem bức thư của cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi vợ là bà Vi Kim Ngọc viết bằng tay với những dòng chữ nắn nót, nét mực vẫn còn đen nhánh, đề ngày 18 Juillet năm 1946 lúc ông đang dự hội nghị Phong-ten-nơ-bờ-lô (Fontainebleau) cách Pairis 60 cây số. “Hôm trước Huyên nhận được thư của Ngọc (Vi kim Ngọc) lại càng nhớ nhà thêm. Thấy chú Huy (con trai ông) cứ đau bụng là Huyên lại lo ngại, lại ân hận trong lòng là để Ngọc ở nhà phải một mình sớm hôm áy náy vì các con. Nghĩ tới lệ càng thêm tràn mắt. Huyên ra đi cũng thừa thấy là làm thiệt thòi cho vợ và các con nhiều. Song như Ngọc nói đây là dịp để Huyên thay mặt cho nhà mà đền nợ nước…” – Bức thư viết tay khá dài, quả là một tài liệu quý, tôi chỉ xin trích mấy dòng thôi, chỉ mấy dòng cũng làm cho chúng ta hình dung được nỗi lòng của một người cha, một người cha mẫu mực, hết lòng với vợ con.
Theo bản ghi chép trong cuốn “Theo bước chân cha” thì cụ Nguyễn Văn Khoa quê ở làng Lai Xá thuộc phủ Quốc Oai, mà dân làng thường gọi cụ Điều là ông nội của GS. TS Nguyễn Văn Huyên. Là một thầy thuốc nổi tiếng, chữa được bệnh cho nhiều người, coi sóc sức khoẻ cho binh sỹ của Tổng trấn Bắc thành nên cụ được phong chức “Cửu phẩm y sinh”. Trong di chúc, cụ dặn con cháu “Bậc thánh hiền dạy rằng thế bất khả ỷ tận, lộc bất khả hưởng tận, cùng bất khả khi… Nghĩa là gặp thế lực có quyền chớ nên ỷ vào đó, có lợi lộc chớ nên hưởng tất cả, thấy người cùng khổ chớ nên khinh thường. Điều đó đáng răn. Làm phận tôi con phải có hiếu với cha mẹ, có đức với anh em, có lòng nhân từ với trẻ nhỏ. Điều đó đáng thi hành”. Những lời răn dạy đó thiết nghĩ còn nguyên giá trị cho ngày hôm nay.
Tiếp thu truyền thống gia đình, từ nhỏ học chữ Hán, rồi qua Pháp du học, chàng trai Nguyễn Văn Huyên có bằng cử nhân Luật, cử nhân Văn khoa, trở thành người Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sỹ văn khoa tại đại học Sorbonne danh tiếng. Ông cũng là người Việt Nam duy nhất là thành viên thường trực của trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp). Ông đã kết hợp nhuần nhị các phương thức giáo dục truyền thống của phương Đông, của người Việt ngàn đời và các giáo dục văn minh của Tây phương, ngay trong gia đình mình, trong cách chăm sóc, dạy dỗ các con và mở rộng ra xã hội khi ông làm bộ trưởng giáo dục.
TS Nguyễn Văn Huy đưa tôi đi xem ba căn phòng chứa đầy tài liệu, hiện vật làm tôi cứ sững sờ đến kinh ngạc. TS Huy cho biết đã xây dựng một khu nhà nho nhỏ bốn tầng để chuẩn bị làm bảo tàng gia đình. Đây sẽ là nơi lưu giữ tất cả các hiện vật từ cặp kính, chiếc bút, những bức thư gửi vợ, gửi con, những trang bản thảo đang viết dở... Và cả bản gốc các tác phẩm đã xuất bản của cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt như “Hát đối đáp của trai gái Việt Nam” in năm 1934, “Sưu tập các bài hát đám cưới của người thổ ở Cao Bằng” in năm 1935, “Văn minh Việt Nam” in năm 1944, “Hội Phù Đổng” … cùng hình ảnh quê hương, bạn bè, những trí thức hàng đầu của Việt Nam, các di vật của tổ tiên…
Cựu giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Nguyễn Văn Huy nói rằng thời nay bảo tàng gia đình là một cách giáo dục con cháu đời sau tốt nhất, bởi không có gì sinh động hơn những hiện vật mà ông cha mình để lại, nó thực sự có sức lay động tâm hồn con người và qua đó cũng thấy được một phần lịch sử của đất nước từ một gia đình, một dòng họ …
(Còn tiếp)