Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cho biết, cây phong lá đỏ đã được trồng rất nhiều ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc như Vân Nam, Nam Ninh… Những cây này tỏa bóng mát rất đẹp, khi lá về già ngả sang màu đỏ sẽ tạo điểm nhấn cho các tuyến phố.
“Cây phong lá đỏ hợp với cây đô thị và nhiều nước đã trồng. Mặt khác, các tỉnh miền Nam Trung Quốc cách Hà Nội không xa nên tôi nghĩ là trồng được. Theo tôi được biết thì số cây phong lá đỏ là do một đơn vị nào đó tặng Hà Nội để trồng thử nghiệm, vì vậy chúng ta nên ủng hộ, vì làm như vậy sẽ giúp Hà Nội đã dạng hơn về các loài cây. Tôi tin Hà Nội trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ này thành công” – ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết thêm, phong lá đỏ có nhiều loài, Hà Nội sẽ trồng loài phong được thuần hóa, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây chứ không phải là cây phong mang về từ đất nước Canada.
Chị Nguyễn Quỳnh Nga (30 tuổi, nhà ở phố Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi biết những cây Hà Nội mới trồng này là cây phong lá đỏ tôi rất thích, hy vọng cây sống và phát triển được ở Hà Nội. Vài năm trước tôi có dịp sang nước Nga cùng với ông xã, thấy rừng phong lá đỏ rất đẹp”.
Đại diện công ty Đ.L (đơn vị nhập khẩu nhiều loại cây xanh đô thị) cho biết, cây phong lá đỏ có hàng trăm loại khác nhau như phong triều đỏ, phong san hô… là loại cây phát triển nhanh và được sử dụng làm cây đô thị ở nhiều nước. Đơn vị này cho biết đang bán rất nhiều cây phong Nhật trên thị trường, nên khẳng định nhiều loại cây phong sống được ở điều kiện khí hậu miền Bắc.
Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Dân trí, một chuyên gia về cây xanh trong lĩnh vực cây xanh đô thị xin được giấu tên lại tỏ ra lo ngại rằng, phong lá đỏ là loài cây ưa lạnh, rất khó sống và phát triển được ở Hà Nội, nhất là lại trồng ở đường phố khi nhiệt độ ngoài trời vào mùa hè có thời điểm còn lên tới hơn 40 độ C.
“Tôi nghĩ là cây phong lá đỏ đó rất khó sống được ở đường phố Hà Nội, nếu có trồng phong lá đỏ thì theo tôi nên trồng ở khu vực có khí hậu mát mẻ như ở Sa Pa – Lào Cai. Theo tôi được biết thì giống cây phong lá đỏ này chưa có ở Việt Nam, các vườn ươm cũng chưa có, Hà Nội sẽ phải nhập từ nước ngoài về” – vị chuyên gia này nói.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, GS.TS Lê Đình Khả - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho biết: Về nguyên tắc thì cây phong lá đỏ sống được. Đây là cây đưa từ xứ lạnh về, nếu trồng thử mà qua mùa đông rồi thì phải chờ đến mùa hè xem có chịu được nóng hay không.
Cũng liên quan đến cây phong lá đỏ, tại Hội thảo về Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước TP Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và bản sắc đô thị diễn ra ngày 13/1 ở Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, hoàn toàn cho phép Thủ đô trồng được đa dạng nhiều loại cây xanh và các loài hoa.
Ông Nguyễn Đức Chung tin tưởng Hà Nội sẽ trồng thành công phong lá đỏ. (Ảnh: Nguyễn Dương). |
Cũng theo ông Chung, việc phát triển cây xanh – mặt nước là một ngành kinh tế, nếu làm tốt sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân. Trên thế giới bây giờ đã hình thành các ngành kinh tế trồng cây và trồng hoa. Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều viện nghiên cứu và đã tạo ra các giống hoa, giống cây mà đáng lẽ chỉ trồng được ở các thành phố có khí hậu ôn đới, thì giờ đã trồng được ở cả những thành phố có khí hậu nhiệt đới như ở Hà Nội.
“Hà Nội đang trồng cây phong lá đỏ ở trên đường Nguyễn Chí Thanh và đường Láng Hạ. Khoảng một năm nữa chúng ta hoàn toàn có thể “nhiệt đới hóa” được cây phong này. Những cây phong trồng ở Hà Nội đem màu sắc của châu Âu tới Thủ đô” – ông Chung nói.
Theo Dân Trí