Cuộc gặp gỡ định mệnh trên tàu
Chúng tôi tìm gặp hai con người già cả nhưng đáng trân trọng ấy tại ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Năm tại xã Thọ An (Đan Phượng, Hà Nội). Từ năm 2008 ông Dương quyết định chuyển qua ở cùng bà Năm. Trong căn nhà nhỏ, cụ Dương ân cần tiếp chuyện rồi rót chén nước lá vối mời khách, họ kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và những song gió tình yêu của mình ở cái tuổi gần đất xa trời.
Theo cụ Dương thì cụ vốn là bộ đội chuyện nghiệp ở miền trong và xuất ngũ về hưu từ năm 1981. Cụ bảo: “Khi đi bộ đội thì tôi đã có vợ và 2 con nhỏ ở nhà. Nhưng trên chuyến tàu về quê, tôi tình cờ quen với cô gái thanh niên xung phong tên Nguyễn Thị Năm, sinh năm 1959, là người ở xã bên. Khi đó bà Năm cũng vừa hoàn thành nghĩa vụ của một nữ quân nhân, bà mới 23 tuổi còn tôi đã 54”.
Ông Dương và bà Năm hạnh phúc bên nhau |
Trên chuyến tàu ấy, họ trò chuyện với nhau thân tình, không biết từ lúc nào, những câu chuyện về một thời khói lửa đã giúp họ cảm thấy như gần nhau hơn. Và họ giữ mối quan hệ bạn bè và tình thân trong suốt những năm tháng sau này. Vốn ở hai 2 xã sát cạnh nhau nên thi thoảng, cụ Dương lại ghé qua chơi với bà Năm và ngược lại. Cũng trong thời gian này, Bà Năm sau đó cũng có lấy chồng và sinh hạ được 3 người con. Tuy nhiên, do những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, cuộc hôn nhân của bà Năm đã đổ vỡ. Khi bà trở lại cảnh “chăn đơn gối chiếc”, ông Dương vẫn là một người bạn tốt để chia sẻ với bà Năm.
Biến cố bất ngờ xảy ra khi năm 1999, do chứng bệnh thấp khớp quái ác, vợ ông Dương mất để lại cho ông 3 người con gái. Kể từ khi vợ mất đi, ngôi nhà của ông Dương trở nên trống trải và càng thêm vắng khi các con gái của ông Dương lần lượt đi lấy chồng. Về sau do bận công việc, nên các con của ông Dương cũng ít khi qua lại và chăm sóc bố được. Những lúc một mình chỉ có bà Năm là một người bạn hay đến giúp đỡ ông Dương.
Bà Năm nghẹn ngào tâm sự |
Biết ông Dương buồn bã khi ở nhà một mình, tuổi lại đã cao, cần có người cơm nước và giúp sinh hoạt hàng ngày nên các con gái của ông đã ngỏ ý mời bà Năm làm người giúp việc cho gia đình, vì bình thường công việc đi bán rau ở chợ của bà Năm cũng chẳng lời lãi được bao nhiêu. Cũng vì quý mến ông Dương, nên bà Năm vui vẻ nhận lời. “
Kể từ đó, mỗi buổi sáng tôi đạp xe 5 km từ nhà mình sang nhà ông Dương để lo cơm nước, giặt giũ và làm người bầu bạn. Vốn đã có sự quý mến cảm phục lẫn nhau từ lâu, lại thêm ngày ngày đều ở bên chăm sóc nhau nên trái họ đã rung động một lần nữa. “Thế là chúng tôi thương yêu nhau lúc nào không hay…” bà Năm ngượng ngùng tâm sự.
Tuổi già nương tựa
Nhìn bà Năm âu yếm, ông Dương nói: “Cảnh già côi cút, lại có người thường xuyên qua lại bầu bạn nên tôi thấy bớt cô đơn. Năm 2003, tôi đã mạnh dạn đề nghị với các con được lấy bà Năm về làm vợ cho bớt cô quạnh. Tưởng các con vui vẻ ủng hộ nào ngờ, chúng phản đối kịch liệt. Dù các con phản đối nhưng tôi vẫn quyết định đến với bà Năm”.
Ông Dương rót nước mời khách |
Ông Dương tiếp chia sẻ thêm: “Thời gian trôi đi, tôi thì tuổi đã cao và nhiều lúc đau yếu phải bệnh viện nhưng 3 đứa con gái phải lo cho gia đình nên không chăm tôi được. Mỗi lúc như vậy chỉ có mình bà Năm ở bên chăm sóc làm tôi cảm động vô cùng”. Tuy không phải là vợ chồng, nhưng trong thâm tâm hai người già chúng tôi đã coi nhau là vợ chồng từ lâu rồi”.
Nhắc đến việc những người con của cụ Dương đối xử với mình, bà Năm thở dài, giọng buồn tủi: "Tôi và ông ấy yêu nhau mấy người con gái phản đối kịch liệt. Thế nhưng khi ông ấy già yếu nằm bệnh, thì chỉ có tôi ngày đêm quanh quẩn. Vậy mà có lần các cô ấy còn kéo theo chồng qua đánh tôi”. Cụ Dương tiếp lời: “Con gái tôi, sau khi cầm mọi giấy tờ tùy thân của tôi thì nhất quyết không trả lại, chỉ đưa cho tôi đúng chiếc chứng minh thư. Không có hộ khẩu, không có giấy khai tử vợ cũ, tôi chẳng thể làm được gì”.
Kể từ đó đến nay, cụ Dương và bà Năm hai thân già vẫn nương tựa vào nhau mà sống. Hằng ngày, bà Năm vẫn đi làm thêm. Ai thuê gì bà làm nấy, tới mùa vụ bà đi cấy, đi làm cỏ đồng… mong kiếm thêm thu nhập chăm lo cho cuộc sống của ông và mà không phải phu thuộc con cái.
Ngôi nhà hai ông bà đang sống |
Đến nay ông Dương vẫn chưa thôi khát vọng cháy bỏng của mình là tìm lại giấy tờ con gái cất giấu, để được đăng ký kết hôn với bà Năm. Bởi ông vẫn luôn mong bà Năm là người vợ danh chính ngôn thuận của mình. Từ khi ông Dương về sống với bà Năm nhiều lần người phụ nữ ấy bị con gái ông Dương chửi bới và đuổi đánh hắt hủi...Bỏ qua những lời cay nghiệt, bà Năm vẫn không rời bỏ ông Dương. Vậy mà đã ngót 10 năm, bà Năm chăm sóc ông Dương như một người vợ tần tảo đối với chồng. Hiện tại, ông Dương đã xác định sẽ sống và khi chết cũng ở lại ngôi nhà bà Năm nên ông và bà Năm đang xây dựng một ngôi nhà mới khang trang hơn bên ngôi nhà nhỏ bé vốn có của bà Năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phượng, trưởng thôn Đông Hải, xã Thọ An cho biết: “Hơn 10 năm bà Năm chung sống cùng ông Dương, mặc dù vấp phải đối mặt với sự phản đối của con cái ông Dương, tuy nhiên được sự động viên và chia sẻ của bà con hàng xóm, hiện tại hai ông bà vẫn sống vui vẻ và hạnh phúc. Qủa thực các cụ xưa đã có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, vậy nên hai ông bà cô đơn đến được với nhau cũng là cái tốt. Hiện tại thì ông Dương đang sống và làm tạm trú bên thôn tôi. Chúng tôi cũng đang rất cố gắng để giúp ông bà hoàn tất mọi thủ tục đăng kí kết hôn, để ông bà được hoàn thành tâm nguyện khi tuổi đã về già”.
Chia sẻ với chúng tôi, Cụ Dương vui vẻ cho biết: “Từ ngày tôi với bà Năm quyết tâm đến và sống với nhau, 2 con của bà Năm rất vui vẻ và tán thành, họ hàng làng xóm thân thiện. Tôi đến và chăm sóc các con từ lúc các cháu từ nhỏ, nên cũng nảy sinh tình cảm như cha con thực thụ. Các con đối xử rất tốt với tôi cũng như bà Năm, chỉ cần vậy thôi là chúng tôi thấy hạnh phúc và cảm thấy được an ủi lúc về già nhiều lắm rồi”