Suthida đã có một tuổi thơ đầy nước mắt khi mang nhầm "án" HIV. Cô gái hiện ở nhà làm nội trợ, sống tại tỉnh Roi-et, miền tây bắc Thái Lan cho biết, cô đã bị các bạn học và những đứa trẻ sống cùng địa phương tẩy chay vì tình trạng của mình khi đó. "Tôi khóc hàng đêm. Chẳng có cách nào bù đắp nổi những gì tôi đã trải qua", Suthida nói.
Suthida nhận thông báo mình có HIV khi các giáo viên đưa cô đi xét nghiệm 12 năm về trước. Họ lo ngại bởi thời điểm đó, cha của cô đã mất vì AIDS còn mẹ thì bắt đầu dị ứng nghiêm trọng. Đã không có xét nghiệm thứ hai để xác nhận kết quả và Suthida bắt đầu phải dùng thuốc kháng virus hàng ngày. Sự kỳ thị khiến cô phải bỏ ước mơ trở thành một bác sĩ. Sau khi kết hôn, sử dụng biện pháp tránh thai, cô vẫn mang thai và sinh con đầu lòng cách đây 5 năm.
Sau khi xét nghiệm HIV cho con có kết quả âm tính, bà mẹ đã quyết định làm xét nghiệm lại cho mình. Kết quả cho thấy cô không bị bệnh. Suthida quyết định ngừng dùng thuốc. Hoài nghi, cô quyết định đi xét nghiệm lần thứ hai, kết quả vẫn âm tính. Suthida bật khóc nức nở. "Các con của mẹ, từ giờ các con sẽ không phải xấu hổ hoặc trốn tránh người khác vì mẹ không có AIDS", cô gái nói với con qua Bangkok Post.
Bà Preeyanant Lorsermwattana, Chủ tịch Hội Những người bị ảnh hưởng bởi sự sơ suất y tế. cho biết thực tế đã xảy ra một vài trường hợp bị chẩn đoán sai tương tự. Cụ thể, một y tá tại Phuket do chẩn đoán nhầm nhiễm HIV nên phải uống thuốc chống virus trong 4 năm và mất cơ hội đi làm việc ở nước ngoài. Y tá này đã khởi kiện và vị bác sĩ xét nghiệm máu đã phải chịu trách nhiệm.
Tên của bệnh viện và bác sĩ liên quan đến trường hợp của cô Suthida vẫn chưa được công khai.