Trong hai nghiên cứu mới, không liên quan tới nhau, các nhà nghiên cứu đã tìm ra lợi ích khi tập thái cực quyền và leo núi đối với những người bị trầm cảm.
Lợi ích của thái cực quyền
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Psychiatry, tập thái cực quyền giúp làm giảm các triệu chứng bệnh trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts đã nghiên cứu ảnh hưởng của thái cực quyền đối với 50 người tham gia, tất cả đều là người Mỹ gốc Hoa được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm chủ yếu.
Những người tham gia được chia ngẫu nhiên thành ba nhóm khác nhau - một nhóm đã tham gia vào một chương trình tập thái cực quyền kéo dài 12 tuần, một nhóm tham gia thảo luận tương tác và giáo dục về sức khoẻ tâm thần và một nhóm đánh giá lặp lại trong và sau thời gian nghiên cứu.
Các đối tượng trong nhóm tập thái cực quyền được dạy những động tác truyền thống và được yêu cầu tập luyện ở nhà 3/tuần. Kết thúc12 tuần, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các triệu chứng trầm cảm của họ đã cải thiện nhiều hơn hai nhóm còn lại. Đánh giá 3 tháng sau can thiệp cho thấy ở nhóm tập thái cực quyền, cải thiện triệu chứng vẫn được duy trì.
Tác giả nghiên cứu Albert Yeung cho biết: “"Mặc dù một số nghiên cứu trước đây cho thấy tập thái cực quyền có thể hữu ích trong điều trị chứng lo âu và trầm cảm, nhưng hầu hết bệnh nhân tập thái cực quyền để hỗ trợ điều trị các bệnh khác, chứ không phải bệnh nhân trầm cảm. Nhóm bệnh nhân trầm cảm có xu hướng tránh điều trị tâm thần thông thường, do đó, tập thái cực quyền mang lại hiệu quả tốt nhất trong quá trình điều trị".
Lợi ích của leo núi
Leo núi là một cách tập thể dục toàn thân thú vị và hiệu quả giúp rèn luyện sức khỏe và tim mạch. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng leo núi làm giảm căng thẳng và các triệu chứng bệnh trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu trên 100 người ở Đức, nơi ở một số bệnh viện leo núi là một hình thức trị liệu. Những người tham gia được phân ngẫu nhiên vào một trong hai nhóm. Nhóm đầu tiên bắt đầu leo núi ngay lập tức, 3 tiếng/tuần, trong 8 tuần, nhóm còn lại sẽ bắt đầu sau. Bouldering là một hình thức leo núi mà không sử dụng dây thừng hoặc dây nịt. Triệu chứng trầm cảm của những người tham gia được đánh giá ở nhiều thời điểm trong suốt nghiên cứu bằng cách sử dụng các bảng câu hỏi chẩn đoán.
Khi xem xét các dữ liệu trong cùng thời gian, các nhà nghiên cứu thấy rằng ở nhóm người ngay lập tức bắt đầu bouldering, các triệu chứng bệnh trầm cảm được cải thiện nhiều hơn so với nhóm bắt đầu sau.
Tác giả nghiên cứu Eva-Maria Stelzer cho biết: "Khi leo núi bạn cần tập trung tinh thần để tránh xảy ra tai nạn. Không chỉ những người có tinh thần mạnh mẽ mới tập bouldering, bouldering phù hợp với tất cả mọi người."
Theo BS. Tuyết Mai/Sức Khỏe & Đời Sống