Cuốn sách “Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc” từ khi vừa ra mắt đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới nghiên cứu, và đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách. Tác phẩm giúp người đọc trả lời các câu hỏi như: Để trở thành cường quốc, một quốc gia phải đánh đổi những gì? Điều gì khiến các cường quốc truyền thống ở châu Âu dần lụi tàn? Đứng trước hiện tại khó khăn, các quốc gia có thể học hỏi được gì từ quá khứ để không đi vào vết xe đổ của những đế chế một thời?...
Luận điểm bao trùm trong tác phẩm bao gồm hai ý: Một là, sức mạnh của một Cường quốc chỉ có thể được đong đếm trong tương quan với các nước khác. Hai là, uy thế về lâu về dài hoặc trong một xung đột cụ thể của một Cường quốc có mối tương liên chặt chẽ với các nguồn lực sẵn có và tính bền vững của nền kinh tế quốc gia.
“Khi những vấn đề đương đại trở nên nhức nhối, khiến một học giả cẩn trọng và uyên bác như Paul Kennedy cảm thấy cần xem xét lại những bước phát triển lớn trong quá khứ, kết quả thu được quả là hữu ích cho hiểu biết của chúng ta về lịch sử… Một tác phẩm học thuật với lối viết giản dị mà hấp dẫn như Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc chắc hẳn sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn, có lợi cho xã hội.” - Michael Howard, The New York Times Book Review
Cụ thể, tác giả Paul Kennedy đã cố gắng tìm hiểu và giải thích cách thức mà các Cường quốc trỗi dậy và suy tàn cùng mối liên quan giữa chúng trong hơn năm thế kỷ, tính từ khi hình thành “những nền quân chủ mới” ở Tây Âu và sự khởi đầu của hệ thống các quốc gia có tầm vóc xuyên đại dương và toàn cầu. Cuốn sách này không tránh được việc bàn luận nhiều về những cuộc chiến tranh, đặc biệt là những cuộc xung đột lớn, kéo dài giữa các liên minh Cường quốc vốn tác động đến trật tự quốc tế.
Không chỉ là một tác phẩm viết về lịch sử quân sự, cuốn sách này cũng chính là một công trình lịch sử kinh tế. Nó bàn luận về những thay đổi diễn ra trong các cán cân kinh tế toàn cầu từ năm 1500. Vấn đề mà sách tập trung vào là sự tương tác giữa kinh tế học và chiến lược, khi mà mỗi quốc gia hàng đầu trong hệ thống quốc tế nỗ lực gia tăng sự giàu có và sức mạnh của mình để trở thành (hay duy trì) cả hai khía cạnh.
Do đó, khái niệm “xung đột quân sự” trong tên phụ của cuốn sách luôn được xem xét trong bối cảnh “biến đổi kinh tế”. Việc Cường quốc này chiến thắng hay Cường quốc kia sụp đổ trong thời kỳ này thường là hệ quả của [những] cuộc chiến kéo dài với sự tham chiến của các lực lượng vũ trang; nhưng nó cũng là hệ quả của việc tận dụng hiệu quả đến đâu các nguồn lực kinh tế sản xuất của quốc gia trong thời chiến, và xa hơn nữa, (là hệ quả) của phương cách một nền kinh tế quốc gia trỗi dậy hay sụp đổ, liên quan đến những quốc gia hàng đầu khác, trong những thập niên trước khi thực sự bùng nổ mâu thuẫn. Vì lý do này, tác giả Paul Kenedy việc tìm hiểu địa vị của một Cường quốc thay đổi như thế nào trong thời bình cũng quan trọng chẳng kém việc nước đó đã chiến đấu như thế nào trong thời chiến.
“Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc đang trở thành cuốn sách gối đầu giường trên khắp nước Mỹ bởi nó vừa uyên bác vừa có ý giải đáp câu hỏi ngày càng phổ biến rằng liệu nước Mỹ đã đặt chân lên hành trình đi về phía hoàng hôn của quyền lực đế quốc hay chưa?” - Christopher Hitchens, Guardian
Hệ thống quốc tế thay đổi liên tục không chỉ do những hành động hết ngày này qua ngày khác của các chính khách và sự thăng trầm của các sự kiện chính trị, quân sự, mà còn do sự biến đổi sâu sắc trong nền tảng của quyền lực thế giới mà theo thời gian sẽ lộ diện. Paul Kennedy - một trong số ít học giả cố gắng tìm hiểu và giải thích được vấn đề này, đã cho thấy một vốn hiểu biết sâu rộng và cả khả năng phân tích, khái quát cao các dòng chảy chính của thế giới hiện đại thông qua cuốn sách này.
Với thông tin phong phú, vừa bao quát vừa chi tiết được trình bày trọn vẹn và khách quan; loạt bảng biểu cùng số liệu, bản đồ minh họa cho các dẫn chứng, sự kiện được nêu trong sách; lối viết giàu kiến thức nhưng không nặng nề, khô khan; đây sẽ là tác phẩm lý tưởng dành cho các độc giả quan tâm đến chủ đề lịch sử thế giới, lịch sử kinh tế-quân sự nói chung; đang nghiên cứu, học tập về lịch sử và địa chính trị hậu Phục Hưng tới hiện đại; mong muốn hiểu biết thêm về các cường quốc trên thế giới và bí mật đằng sau sự vĩ đại của họ.
Paul Michael Kennedy (1945) là một nhà sử học người Anh, chuyên nghiên cứu về lịch sử quan hệ quốc tế và các chủ đề liên quan như kinh tế, chiến lược lớn. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm nổi bật về lịch sử chính sách đối ngoại Anh và những cuộc đấu tranh giành quyền lực lớn.
Từ năm 1983, Kennedy là giáo sư Lịch sử tại Đại học Yale, chuyên nghiên cứu và giảng dạy về quan hệ giữa các nước lớn trong thế kỷ 19 và 20, lịch sử quân sự và hải quân, lịch sử ngoại giao và đế quốc Anh, các vấn đề an ninh toàn cầu đương đại, và lịch sử Liên Hợp Quốc. Cũng tại Đại học Yale, Kennedy còn là Giám đốc Chương trình nghiên cứu An ninh quốc tế, Thành viên Đặc biệt Chương trình Brady-Johnson về Chiến lược Lớn, điều phối viên các chương trình ISS do Quỹ Smith Richardson tài trợ.
Ông sở hữu nhiều bằng danh dự, là thành viên của Hiệp hội Lịch sử Hoàng gia, Hiệp hội Triết học Mỹ, Viện hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ; được phong tước Chỉ huy Đế quốc Anh (CBE) năm 2001, được bầu vào Viện hàn lâm Anh năm 2003; đạt Giải Hattendorf của Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ năm 2014.
Ngoài ra, ông tham gia biên tập và viết bài cho nhiều tờ tạp chí học thuật như The New York Times, Los Angeles Times, The Atlantic, và cả báo chí nước ngoài.