Trong cuốn sách “Lịch sử Israel: Câu chuyện về sinh hồi sinh của một dân tộc”, học giả tài năng Daniel Gordis đã viết lại một cách cô đọng và hấp dẫn nhất về lịch sử của Israel - một đất nước thành công với rất ít cơ hội, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều kẻ thù và trở ngại đáng sợ. Câu chuyện về đất nước Israel là câu chuyện phức tạp, vừa kịch tính vừa đáng buồn, một câu chuyện kỳ diệu và đầy cảm hứng, tác động đến thế giới của chúng ta ở hầu hết mọi khía cạnh.
Nếu như các cuốn sách đã xuất bản về Israel thường đề cập đến vấn đề tôn giáo, thì tác phẩm “Lịch sử Israel: Câu chuyện về sinh hồi sinh của một dân tộc” tập trung kể về câu chuyện hình thành nên nhà nước này. Qua cuốn sách, độc giả sẽ biết thêm những câu chuyện chưa kể về Israel, khi tác giả đi sâu vào phân tích những dấu mốc, sự kiện, vấn đề lớn của người Do Thái nói chung và đất nước Israel nói riêng, từ khi có những ý tưởng manh nha về việc phục quốc đến khi họ thực sự tập hợp lại ở cố hương Jerusalem.
“Lịch sử Israel: Câu chuyện về sinh hồi sinh của một dân tộc”. Ảnh: Omega+ |
Tháng 5 năm 1948, Nhà nước Israel ra đời. Những năm đầu thành lập vô cùng khó khăn. Nhà nước mới, không có các nguồn dự trữ tài chính và rất ít cơ sở hạ tầng, đột nhiên phải tiếp nhận một lượng khổng lồ người nhập cư, lớn hơn nhiều so với dân số của chính quốc gia này. Sau khi Israel được thành lập, hàng trăm nghìn người Do Thái bị các nước sở tại trục xuất, từ Bắc Phi, Iran, Iraq và những nơi khác đều đổ tới đây; 150.000 người tị nạn khác trở về từ cuộc thảm sát diệt chủng Holocaust, mang trên mình tất cả những chấn thương từ trải nghiệm kinh hoàng, cũng đã về đến biên giới Israel.
Từng là đầm lầy và vẫn còn hoang hóa ở một số khu vực, trong khi phần còn lại chủ yếu là sa mạc cằn cỗi, thiếu tài nguyên thiên nhiên và gần như hoàn toàn không có tiền, Israel có rất ít lựa chọn để nuôi sống và cung cấp chỗ ở cho tất cả những người này, và tình trạng khan hiếm lương thực bắt đầu. Chỉ vài năm sau khi thành lập, đất nước này có nguy cơ sụp đổ tài chính. Tuy nhiên, người Israel đã không bỏ cuộc, một phần vì họ đã không còn nơi nào để đi.
Tuy cuốn sách này kể câu chuyện về những gì đã xảy ra, nhưng nó đặc biệt nhấn mạnh đến việc tại sao chúng lại xảy ra. Ý tưởng của người Do Thái về việc di cư đến Palestine và xây dựng đất nước nảy sinh từ đâu? Tại sao những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái ở tất cả mọi nơi lại nhấn mạnh rằng đất nước của họ phải nằm tại Palestine? Điều gì sẽ xảy đến với tương lai của Israel?
Mặc dù là câu chuyện về đất nước, nhưng câu chuyện về Israel cũng là câu chuyện về một cuộc cách mạng. Chủ nghĩa phục quốc Do Thái là phong trào cam kết thay đổi điều kiện sinh tồn của người Do Thái. Những người theo chủ nghĩa này khẳng định đã đến lúc dân tộc họ phải được hồi sinh.
Sau nhiều thế kỷ người Do Thái mòn mỏi sống lưu vong, chủ nghĩa phục quốc Do Thái ưu tiên việc khôi phục dân tộc trên bình diện phong phú về văn hóa, điều mà họ có được khi sống ở quê cha đất tổ, nói ngôn ngữ riêng, tự vạch ra lộ trình tương lai của chính mình.
Nếu người Do Thái đã bị phân tán đến nơi mà nghi thức tế lễ của họ gọi là ‘bốn góc của Trái Đất’, những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái hi vọng sẽ tập hợp dân tộc mình lại với nhau một lần nữa. Nếu hàng thiên niên kỷ lưu đày đã làm suy tàn tiếng Do Thái, vốn từng được sử dụng và đầy sống động, thành thứ ngôn ngữ chỉ được sử dụng cho các kinh văn thiêng liêng và việc thờ phụng, thì chủ nghĩa phục quốc Do Thái sẽ thổi luồng sinh khí mới vào thứ ngôn ngữ cổ xưa đó.
Dân tộc Do Thái sẽ sáng tạo nên âm nhạc, mỹ thuật, văn chương và thơ ca như tất cả các dân tộc khác. Họ sẽ có nền văn hóa tinh hoa và nền văn hóa đại chúng. Người Do Thái sẽ sống trong những thành phố mà tổ tiên của họ đã từng biết, sẽ đi trên những con đường đã từng là quê hương của các bậc tiền bối trong Kinh Thánh. Các nhà lãnh tụ Do Thái sẽ hoạch định chính sách về chiến tranh và hòa bình, kinh tế, chăm sóc sức khỏe và sự nhập cư. Chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã thành công trong tất cả những phương diện đó đó, và hơn thế nữa. Cách Israel phản ánh sự hồi sinh này của người Do Thái là một phần trong câu chuyện mà cuốn sách này sẽ kể.
Bên cạnh đó, tác giả Daniel Gordis cũng kể lại nhiều câu chuyện xoay quanh cách người Israel hiểu về bản thân và đất nước họ. Giống như những câu chuyện về chuyến đi lúc nửa đêm của Paul Revere, về việc George Washington không ngại gian khó vượt sông băng Delaware và cuộc chiến đấu đến hơi thở cuối cùng ở Alamo là trọng tâm trong câu chuyện mà người Mỹ kể về bản thân, những câu chuyện mà người Israel kể về lịch sử của họ cũng tương tự như vậy.
Những ký ức đó là nền tảng để hiểu được tư duy của người Israel, cách họ nhìn nhận về lịch sử, về nhà nước của mình cũng như cách thế giới nhìn nhận họ; vì vậy, cuốn sách này cũng kể về những câu chuyện quan trọng nhất trong số đó.