Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều tên tuổi các nhà làm phim, sản xuất phim, các nghệ sỹ điện ảnh và chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực điện ảnh của Việt Nam cùng đại diện của Văn phòng UNESCO Hà Nội, các cơ quan thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và một số các cơ quan báo chí.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội nhận định, nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng và đầy năng lượng với những tài năng nổi bật, những bối cảnh quay phim tuyệt vời và một thế hệ những người phụ nữ trẻ sáng tạo.
UNESCO luôn ưu tiên hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá vốn được coi là biện pháp trọng tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện Công ước của UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá (Công ước UNESCO 2005).
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trình bày những chính sách và các vấn đề ưu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh; phân tích và thảo luận những cơ hội, rào cản đối với các nhà làm phim Việt Nam. Thảo luận về các quan điểm tiếp cận về giới trong lĩnh vực điện ảnh, một số đại biểu quan tâm tới sự đóng góp ngày càng nhiều của những nhà làm phim nữ trong các đề tài thể hiện được nhiều khía cạnh nổi bật xã hội; đẩy lùi các định kiến về giới thông qua phim ảnh; cơ hội và thách thức đối với các nhà làm phim độc lập...
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, phát biểu tại buổi Hội thảo. |
Tại hội thảo, đại diện của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Bộ VH-TTDL đã đưa ra những ý kiến để ngành điện ảnh có nhiều cơ hội tiếp xúc với nền điện ảnh thế giới thông qua các dự án hợp tác làm phim, tạo cơ hội để các nhà làm phim trong nước được quảng bá tác phẩm của mình đến công chúng nước ngoài…
Dự án “Thúc đẩy kết nối và môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim” do UNESCO khởi xướng với sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Nhật Bản nhằm hỗ trợ phát triển mạng lưới các nhà làm phim và các chuyên gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó ưu tiên triển khai tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Dự án là một trong những hoạt động góp phần thực thi Công ước UNESCO 2005 và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc như tạo việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giải quyết vấn đề mất cân bằng về giới trong ngành công nghiệp điện ảnh của khu vực, đồng thời khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và hợp tác giữa các nữ chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.