Phát biểu mở màn, ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cho biết trong khuôn khổ "Chương trình hoạt động chiến lược của UNESCO tại Việt Nam", UNESCO đặt một trong những ưu tiên của chương trình văn hóa nhằm hộ trợ thực hiện "Chiến lược Quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" và thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về Phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa.
"Phim ảnh là một lĩnh vực công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng phát triển có ý nghĩa chiến lược với các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Nền điện ảnh Việt Nam có rất nhiều những điều kiện và tiềm năng chưa được phát huy, như mạng lưới hội nghề nghiệp đa dạng, những địa điểm cảnh quan lý tưởng cho quay phim, nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo và giàu năng lượng, ý tưởng", ông Croft nhận định.
Theo báo cáo định kỳ quốc gia (năm 2016) gửi lên UNESCO, Việt Nam đã sửa đổi các quy định về kiểm duyệt và cấp phép phân phối phim năm 2015, mở ra kỷ nguyên mới của những hiệu ứng chuyển động điện ảnh sáng tạo, hiện đại và phân phối tốt.
Sau 4 năm Chính phủ phê duyệt "Chiến lược Quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được mục tiêu đóng góp hơn 3% GDP trước năm 2020.
Các nhà làm phim Việt Nam hiện nay được hưởng không ít lợi thế và cơ hội nhờ quá trình hội nhập với quốc tế, cùng với đó là nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng lớn của người dân.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Công nghiệp văn hóa, cho rằng ngành điện ảnh vẫn tồn tại nhiều thách thức và định kiến, đặc biệt là đối với phim tài liệu bởi từ lâu loại hình phim này đã bị gắn mác là chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền, khoa học thường thức cuộc sống nên rất khó thu hút sự chú ý của khán giả.
"Có một số các nhà làm phim cho rằng dư luận, thị hiếu của khán giả đang bị định hướng giống với hội đồng kiểm duyệt và tư tưởng của hội đồng kiểm duyệt còn cứng nhắc, không cởi mở bằng thời kỳ trước. Điều này đã chặn đứng sự sáng tạo, nội dung phim không chạm được vào cốt lõi của đời sống và con người, các bộ phim ra rạp hiện mang tính vô thưởng vô phạt, không ai muốn làm phim đề tài xã hội", bà Phương chỉ ra.
Bị nhận xét là mang góc nhìn đen tối, phản ánh nhiều tệ nạn xã hội nên ê kíp làm phim "Ròm" đã phải chỉnh sửa lại nội dung để được Hội đồng duyệt phim Quốc gia cấp phép công chiếu. |
Một khó khăn nữa mà các nhà làm phim vấp phải trong quá trình sản xuất đó là kinh phí eo hẹp, ít có các nhà tài trợ trong nước và thường không trụ được lâu ngoài rạp do nội dung bị "cắt xén", không thu hút được khán giả.
"Các bộ phim hay không thể ra rạp nếu nội dung luôn bị chỉnh sửa. Một ví dụ tiêu biểu là phim 'Ròm' của đạo diễn Trần Thanh Huy, trước đó các nhà quản lý từng không cấp phép cho bộ phim do có nhiều cảnh bạo lực dù đã phân loại độ tuổi. Điều này là một sư thiệt thòi cho khán giả và cho cả nền điện ảnh Việt Nam", bà Phương nói.
Trước những thách thức kể trên, UNESCO tin rằng cần hợp tác với chính phủ, các chủ thể khu vực tư nhân và cộng đồng nhằm xây dựng, duy trì nền tảng đối thoại và hợp tác trong ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam thông qua các dự án và chương trình khác nhau.
Tại Hội thảo, bà Phạm Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã giới thiệu "Dự án E-MOTIONS: Thúc đẩy Kết nối và Thiết kế Môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim của UNESCO" với sự hỗ trợ từ Quỹ Tín thác Nhật Bản (JFIT) nhằm thúc đẩy, kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim trong 3 năm.
"UNESCO sẽ tập hợp các nhà làm phim, các nhà hoạch định chính sách, công ty sản xuất và các đối tác liên quan để nắm bắt và phân tích nhu cầu, nguyện vọng trong việc định hướng tương lai ngành điện ảnh Việt Nam.
Dự án sẽ góp phần thực hiện Công ước 2005 và các Mục tiêu phát triển Bền vững liên quan, giải quyết sự mất cân bằng giới tính trong ngành công nghiệp điện ảnh, khuyến khích các nhà làm phim nữ tham gia, hợp tác, lắng nghe và quan tâm tới tiếng nói của họ trong trong lĩnh vực điện ảnh", bà Hường nhấn mạnh.
Đối tượng thụ hưởng của Dự án sẽ bao gồm các nhà làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim nữ; các cơ quan Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực điện ảnh và văn hóa; các tổ chức xã hội thúc đẩy bình đẳng giới; các bộ phận tư nhân, cơ sở đào tạo về làm phim tại Việt Nam.