Tại một nhà ở ngoại ô New York, Laurie Ann Barish đã bật khóc khi thấy "CODA" giành được tượng vàng Oscar.
Giống như tiêu đề viết tắt của bộ phim, Barish được nuôi dưỡng bởi một cặp cha mẹ là người Điếc, mẹ của Barish hiện 85 tuổi. Người phụ nữ 61 tuổi nói rằng bà đã nhìn thấy cuộc sống của chính mình trong câu chuyện của "CODA" về một gia đình "muốn được lắng nghe" và được đối xử như mọi gia đình bình thường khác.
“Thế giới của người Điếc cuối cùng đã được cất tiếng. Tôi ước điều này xảy ra khi tôi còn nhỏ, nhất là cho mẹ tôi. Giải thưởng Oscar là một món quà tuyệt vời. Đó là cơ hội để thế giới thấy rằng tất cả chúng ta đều giống nhau”, bà Barish chia sẻ.
“CODA” là một câu chuyện nhẹ nhàng, kể về hành trình trưởng thành của một cô gái bình thường trong một gia đình người Điếc. Bộ phim đã nhanh chóng được công chúng ngợi khen và nhận được sự tán thưởng rộng rãi của giới phê bình để trở thành bộ phim đầu tiên có dàn diễn viên người Điếc giành giải "Phim xuất sắc nhất".
Những người có mặt trong khán phòng vẫy tay thay vì vỗ tay khi "CODA" đoạt giải Oscar. Ảnh: AP |
Phim có sự tham gia của bộ ba diễn viên là người Điếc, đồng thời mô tả chân thực về cuộc sống của người Điếc. Đối với nhiều người trong cộng đồng này, chiến thắng giải Oscar mang lại cảm giác khẳng định chưa từng có, đồng thời đưa ra thước đo về sự tiến bộ gần đây của các nhà làm phim Hollywood.
“CODA" là bộ phim đầu tiên "cho phép những người Điếc trở thành những người bình thường, chăm chỉ cố gắng xây dựng gia đình và định hướng thế giới, theo William Millios, một người Điếc hoạt động trong lĩnh vực quay phim tự do ở Montpelier (bang Vermont, Mỹ).
Người đàn ông 56 tuổi nói thêm: “Nó cho thấy sự thất vọng rất chân thực của họ, mà không khiến họ trở thành những đối tượng đáng thương cần được cứu rỗi."
Ngoài tượng vàng danh giá nhất, "CODA" còn giành thêm hai giải Oscar khác. Troy Kotsur đã giành giải "Nam phụ xuất sắc nhất" và trở thành nam diễn viên người Điếc đầu tiên giành giải Oscar. Phim cũng giành giải "Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất".
Troy Kotsur đã giành giải "Nam phụ xuất sắc nhất". Ảnh: AP |
Ông Howard A. Rosenblum, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quốc gia về Người Điếc tại Mỹ, cho biết "đã quá lâu ngành công nghiệp điện ảnh chỉ khen thưởng các diễn viên và đạo diễn khai thác chiêu trò giả mạo khuyết tật để giành giải thưởng cho mình mà không cho người Điếc hoặc người khuyết tật tham gia diễn xuất để đảm bảo tính xác thực."
Trong khi đó, những người lớn lên trong cộng đồng người Điếc cho rằng bộ phim mở ra một cánh cửa cho thế giới thấy sự phức tạp trong cuộc sống của họ, mà nhiều ngườ chưa biết đến. Ví dụ, bộ phim cho thấy sự phụ thuộc của các cặp cha mẹ Điếc vào những đứa trẻ có khả năng nghe.
Matt Zatko, 49 tuổi, một luật sư sống ở phía tây bang Pennsylvania, cho biết ngày nhỏ ông đã dành rất nhiều thời gian để giúp đỡ cha mình, một họa sĩ là người Điếc.
“Tôi nhận nhiệm vụ trả lời điện thoại cho khách hàng của bố và ký hợp đồng thay ông ấy”, Zatko hồi tưởng. “Đó là cuộc sống của chúng tôi. Đó là những gì chúng tôi đã làm. Nhưng khi biết ai đó làm một bộ phim về chính mình, tôi đã rất xúc động."