Những điều băn khoăn đó là: lợi ích của CVĐC có thể mang lại cho tỉnh và khả năng CVĐC gây cản trở, xung đột với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác; tên gọi của CVĐC; quy mô, phạm vi, diện tích CVĐC,…
Trong văn bản số 65 của Viện Khoa học - địa chất và khoáng sản (Bộ TNMT) gửi Tỉnh ủy Quảng Ngãi ngày 28/2, cho rằng những vấn đề nêu trên nên được đặt ra sớm hơn tại rất nhiều hội nghị, hội thảo hoặc bằng rất nhiều hình thức khác, đặc biệt là tại Hội nghị quốc tế nhân kỷ niệm 110 năm ngày phát hiện ra nền văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh tổ chức tháng 6/2019.
Đua thuyền thuyền truyền thông trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Xuân Thọ |
Vậy mà, sau 5 năm hình thành CVĐC, sau khoảng 3 tháng kể từ khi trình hồ sơ lên UNESCO và còn khoảng 4 tháng để đón đoàn về thẩm định, thì những vấn đề trên mới được tỉnh Quảng Ngãi “trăn trở”. Thay vì lẽ ra nên băn khoăn việc chuẩn bị để đón đoàn thẩm định với tư duy đầy trách nhiệm: phải làm sao để CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu.
Còn nhớ, CVĐC Non Nước - Cao Bằng và CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh cùng giới thiệu làm CVĐC toàn cầu vào năm 2015. Đến tháng 4/2018, CVĐC Non Nước - Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, trong khi CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh lại rơi vào trạng thái mơ hồ ở chặn cuối dù trễ hơn gần 1 năm.
Sau rất nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo nhưng Quảng Ngãi vẫn còn mơ hồ với CVĐC. Ảnh: Thạch Thảo |
Thêm một phép so sánh nữa cho thấy sự chậm chạp, bị động của tỉnh Quảng Ngãi, đó là CVĐC Đăk Nông. Công viên này khởi động sau Quảng Ngãi 1 năm, nhưng đã hoàn tất phần việc của mình và được Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO thống nhất đề cử hồ sơ xét công nhận là CVĐC toàn cầu, kết quả sẽ có vào tháng 4/2020.
Sự mơ hồ của giới chức Quảng Ngãi đang khiến CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh loay hoay trên đường trở thành CVĐC toàn cầu, và có thể sẽ phải đối diện với điều tồi tệ hơn, là phá sản.
Lê Xuân Thọ